Lúa lai giúp tăng năng suất và sản lượng lương thực

Bước đầu làm chủ công nghệ sản xuất giống

Trong vụ đông xuân này, tỉnh Hà Nam tiếp tục đưa 100 ha sản xuất giống lúa lai F1. Vụ đông xuân 2002, diện tích sản xuất lúa lai F1 của tỉnh đã từng đạt mức 200 ha, nhưng từ năm 2003 ngành nông nghiệp tỉnh chủ trương ổn định ở mức 100 ha. Vì sao diện tích sản xuất giống lại giảm? Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Nguyễn Trí Ngọc giải thích: Do nông dân vẫn còn tâm lý ưa giống ngoại và tỉnh lại chưa có nhiều tổ hợp bố mẹ có năng suất, chất lượng vượt trội để hạt giống sản xuất ra đáp ứng yêu cầu của nông dân.

Năm 1993, huyện Thanh Liêm đã đưa lúa lai vào gieo cấy. Nhờ có được tiến bộ kỹ thuật từ cơ sở của Công ty giống trung ương đóng trên địa bàn, từ cuối năm 1994, huyện bắt đầu sản xuất thử lúa lai F1. Sau năm 1997, tỉnh Hà Nam tiếp tục chủ trương đẩy mạnh sản xuất giống lúa lai để chủ động giống, giảm giá thành. Ngành nông nghiệp tỉnh giao cho Trung tâm khuyến nông, Công ty giống cây trồng tỉnh phối hợp các HTX có trình độ thâm canh cao sản xuất lúa lai. Ðến năm 2002, tỉnh đã có 16 HTX, sản xuất 200 ha lúa lai F1 trong vụ đông xuân, sản lượng thu được cơ bản đáp ứng nhu cầu lúa lai của tỉnh trong vụ mùa.

Mặc dù hạt giống lai do tỉnh sản xuất có chất lượng khá cao, được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm, xác nhận nhưng việc tiêu thụ hết sức khó khăn do không cạnh tranh được với giống nhập khẩu với nhiều tổ hợp mới có chất lượng, năng suất hơn hẳn. Vì vậy, diện tích sản xuất hạt lai F1 chỉ còn 100 ha, chủ yếu giao cấy các giống Bắc ưu 63, Bắc ưu 903... là những giống nước ta đã sản xuất được nguồn bố mẹ và đội ngũ cán bộ nông nghiệp nắm vững quy trình sản xuất.

Tỉnh tiếp tục mức hỗ trợ khoảng sáu triệu đồng/ha, đáp ứng hơn 30% chi phí sản xuất. Sản lượng hạt giống lai được Công ty giống cây trồng tỉnh bảo đảm thu mua với mức giá tự thỏa thuận với các HTX từ đầu vụ sản xuất. Ðồng chí Nguyễn Ngọc Ấn, Giám đốc Công ty giống cây trồng tỉnh, cho biết: Trong số 100 ha, công ty đảm nhiệm sản xuất 20 ha, thu mua sản lượng của 80 ha còn lại với mức giá thấp nhất là một kg lúa lai bằng 1,5-1,8 kg lúa đại trà.

Theo Cục trưởng Cục Nông nghiệp Lê Hưng Quốc, năm 1992 nước ta bắt đầu đưa lúa lai vào gieo cấy với tổng diện tích 11 nghìn ha. Năm 2003,  cả nước gieo cấy khoảng 600 nghìn ha lúa lai, trong đó tỉnh Nam Ðịnh 100 nghìn ha, Thanh Hóa 80 nghìn ha, Nghệ An 70 nghìn ha. Cây lúa lai đã được gieo cấy ở 5/7 vùng sinh thái của nước ta (trừ đồng bằng sông Cửu Long và Ðông Nam Bộ) ở ba mức độ: Vùng đột phá năng suất (gồm các tỉnh miền núi phía bắc); vùng thích nghi (đồng bằng sông Hồng, bắc Trung Bộ) và vùng có triển vọng (nam Trung Bộ và Tây Nguyên). Năng suất bình quân 6,3 tấn/ha, cao hơn năng suất đại trà khoảng 1,3-1,5 tấn/ha/vụ, trong 13 năm qua, việc đưa lúa lai vào gieo cấy góp phần tăng sản lượng lúa hơn bốn triệu tấn.

Rõ ràng, hiệu quả của cây lúa lai không thể phủ nhận, nhưng theo ông Lê Hưng Quốc, xu thế trồng lúa lai đang có dấu hiệu chững lại, cả về sản xuất giống và gieo cấy thương phẩm, mà nguyên nhân chính là thiếu các tổ hợp có chất lượng và năng suất vượt trội, cho nên nhiều tỉnh vẫn không mặn mà với chuyện sản xuất giống mà chủ trương nhập khẩu để có được các giống chất lượng cao hơn. Ðiều này lý giải vì sao vụ đông xuân này, diện tích lúa lai F1 của cả nước chỉ còn 1.500 ha, giảm 200 ha so với vụ đông xuân trước.

Ông Nguyễn Trí Hoàn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lúa lai  thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam (KHKTNNVN)  cho biết, từ năm 1990, Viện này đã nghiên cứu và thử nghiệm lúa lai, trong các năm 1992-1993 thử nghiệm ở 27 địa điểm khác nhau, cho thấy Tạp giao phát triển tốt, phù hợp điều kiện sinh thái ở các tỉnh phía bắc.

Năm 1994, Trung tâm nghiên cứu lúa lai ra đời với mục đích nắm bắt được công nghệ sản xuất giống lúa lai để không phụ thuộc nguồn nhập khẩu. Năm 1997, trung tâm đã nhân được giống bố mẹ, chọn lọc và giữ được các dòng lúa thuần, đồng thời hoàn thành quy trình sản xuất các giống lai ba dòng, trong đó các giống Bắc ưu 64, Bắc ưu 903 được các địa phương phía bắc chấp nhận. Các tỉnh như Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Ðịnh, Ninh Bình, trong đó có cả các tỉnh miền núi như Lào Cai, Hòa Bình đã tổ chức sản xuất lúa lai F1 nguồn giống bố mẹ do trung tâm cung ứng.

Theo ông Hoàn, ngoại trừ giống D.ưu 527 là giống mới, hiện trung tâm có thể sản xuất bất cứ giống lúa lai ba dòng nào và cung ứng đủ giống bố mẹ cho các tỉnh có nhu cầu. Thế nhưng trung tâm không thể mở rộng hơn quy mô sản xuất, mà chỉ dừng lại ở con số cung ứng bình quân 10-12 tấn/năm.

Ông Hoàn cho rằng, nguyên nhân chính vẫn là các tỉnh thích nhập khẩu hơn do thiếu lòng tin vào giống nội, muốn nhập các giống mới do nóng lòng có bước đột phá về năng suất. Ðể khắc phục điều này, trong thời gian tới, trung tâm tập trung nghiên cứu các giống lúa lai có chất lượng gạo ngon, đáp ứng yêu cầu thị trường như HYT 57, HYT 83, HYT 77, TH 33, Việt lai 20... Ðây là các giống đã được thử nghiệm, cho năng suất và chất lượng cao. Ðặc biệt hơn, các giống này do Việt Nam tự sản xuất.

Những giải pháp

Những kết quả nghiên cứu khoa học trong thời gian qua, có thể khẳng định rằng, chúng ta bước đầu làm chủ công nghệ sản xuất lúa lai ba dòng và tạo ra triển vọng  sản xuất một số tổ hợp lai mang thương hiệu Việt Nam như Việt lai 20, TH 33; đồng thời ngành nông nghiệp cũng xây dựng được đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ sản xuất lúa lai từ trung ương đến các HTX, hạn chế phần nào nguồn giống lúa lai nhập khẩu.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của Cục Nông nghiệp, để cây lúa lai phát huy hiệu quả cao hơn nữa, tiếp tục tạo đột biến về năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đóng góp thiết thực cho phong trào xây dựng cánh đồng đạt thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm thì trong thời gian tới, cần thực hiện tốt các giải pháp như: Mở rộng diện tích ở các tỉnh miền núi để thay đổi nhận thức và giải quyết lương thực cho nhân dân; phát triển diện tích lúa lai trong vụ đông xuân ở các tỉnh phía bắc. Ðối với các tỉnh, cần chú trọng phát triển cả ba nhóm giống là giống có năng suất cao, giống có chất lượng cao và giống có năng suất, chất lượng tương đối, phù hợp điều kiện sinh thái, trình độ thâm canh từng vùng.

Về công nghệ sản xuất giống cũng cần có bước đổi mới triệt để: Không sản xuất các giống đã lạc hậu, sản xuất theo yêu cầu thị trường, đồng thời tích cực khảo nghiệm, thử nghiệm các tổ hợp mới. Quá trình sản suất giống cần được kiện toàn, có sự phối hợp giữa các tỉnh với các cơ quan nghiên cứu khoa học, trong đó kinh phí cho phát triển lúa lai cần được điều chỉnh hợp lý giữa nghiên cứu và chuyển giao, tránh tình trạng cơ quan nghiên cứu cứ nghiên cứu và sản xuất, trong khi các tỉnh cứ nhập khẩu, vừa làm lộn xộn thị trường giống, vừa bị các đối tác ép giá như mấy năm gần đây.

Có thể bạn quan tâm