Để làm sáng tỏ các giả thuyết về giống lúa mà các nhà Khảo cổ học, Khoa lịch sử Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) khai quật được ở Thành Dền (Mê Linh, Hà Nội) cho là lúa cổ (khoảng ba nghìn năm tuổi), dưới sự chỉ đạo của PGS.TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, nhóm các nhà khoa học chuyên sâu về sinh học phân tử tại Viện Di truyền nông nghiệp tiến hành phân tích một số cây lúa “cổ” bằng phương pháp ADN sử dụng chỉ thị SSR (Simple Sequence Repeats), hay còn gọi là chỉ thị vệ tinh.
Đây là phương pháp hiện đại có độ tin cậy và tính chính xác cao, thường được dùng trong các nghiên cứu sâu ở mức độ phân tử ADN đối với tất cả các đối tượng động thực vật. Kết quả phân tích đặc điểm hình thái của cây lúa “cổ” và lúa Khang dân 18 bước đầu cho thấy, lúa “cổ” khai quật tại Thành Dền giống với lúa hiện đại Khang dân 18. Để khẳng định kết quả một cách chính xác, Viện Di truyền Nông nghiệp còn sử dụng thêm 37 chỉ thị SSR phân tích với ADN của hai cây lúa cổ và hai giống đối chứng P1 và Khang dân 18.
Kết quả phân tích 37 chỉ thị SSR cho thấy DNA profile của hai cây lúa “cổ” và Khang dân 18 hoàn toàn giống nhau. Không những thế, kết quả phân tích ADN bằng chỉ thị SSR với 50 cặp mồi cũng không cho thấy sự khác biệt giữa hai cây lúa “cổ” Thành Dền đại diện (số 1 và số 8) với cây lúa Khang dân 18. Do những giống lúa khai quật tại Thành Dền giống với lúa hiện đại Khang dân 18, các nhà khoa học đề nghị không nên gọi giống lúa khai quật tại Thành Dền là lúa cổ, mà tạm gọi là lúa Thành Dền. |
Tại hội thảo, các nhà khoa học đề nghị trong thời gian tới tiếp tục nghiên cứu các khía cạnh sau: phân tích một số chỉ tiêu hình thái, sinh lý, sinh hoá của các dòng lúa Thành Dền; phân tích ADN tất cả các dòng lúa Thành Dền; khảo nghiệm DUS; kết hợp với kết quả phân tích AMS từ Nhật Bản để có kết luận cuối cùng. Các nhà khoa học cũng kiến nghị xây dựng đề tài nghiên cứu liên ngành (cấp Bộ hoặc cấp Nhà nước) để khai quật mới, thu thập thêm mẫu lúa Thành Dền và các nghiên cứu lúa cổ Việt Nam.