Cuộc họp khẩn của các Bộ trưởng Năng lượng EU diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng ở châu Âu nghiêm trọng và phức tạp hơn, khi mùa đông tới rất gần, giá nhiên liệu vẫn leo thang và nguồn cung chưa được cải thiện.
Đặc biệt, các vụ rò rỉ khí đốt liên tiếp xảy ra trong những ngày qua trên các đoạn đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc, tuyến vận chuyển nhiên liệu trọng yếu từ Nga vào châu Âu, càng khiến giới chức Lục địa già thêm lo ngại. Nhiều nước đã tăng cường an ninh nhằm bảo vệ các cơ sở hạ tầng năng lượng.
Trước yêu cầu cấp thiết hạ nhiệt cơn sốt giá nhiên liệu tại châu Âu, EC đề xuất một loạt giải pháp, trong đó có ba vấn đề được các Bộ trưởng tập trung thảo luận tại cuộc họp ở Brussels là cắt giảm sử dụng điện trong toàn khối, áp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các công ty năng lượng và đặt mức trần cho giá khí đốt bán buôn.
Tuy nhiên, giải pháp áp giá trần khí đốt là vấn đề phức tạp và không dễ đạt đồng thuận. Trong tài liệu đưa ra ngay trước thềm hội nghị, nhằm chia sẻ với các nước thành viên EU về các phương án để có thể kiềm chế giá năng lượng tăng, EC cảnh báo rằng, giải pháp áp giá trần khí đốt rất phức tạp và kéo theo những rủi ro về an ninh năng lượng.
Theo EC, việc áp dụng trần giá bán buôn với các giao dịch trao đổi bằng ngoại tệ, gồm cả khí đốt hóa lỏng và khí đốt dẫn qua đường ống, có thể làm gián đoạn dòng chảy nhiên liệu trong EU. Bởi lẽ, những yếu tố liên quan giá sẽ không có tác dụng giúp đưa khí đốt tới những khu vực có nhu cầu cao, hoặc có nguồn cung khan hiếm. Áp giá trần chỉ đạt hiệu quả trong trường hợp có một cơ quan, tổ chức đứng ra phụ trách điều phối và phân bổ nguồn cung giữa các nước.
Hơn nữa, EU sẽ cần nguồn tài chính lớn để bảo đảm nâng cao sức cạnh tranh của các nước thành viên so với các thị trường khác trên thế giới, qua đó EU mới có thể nhận được lượng cung nhiên liệu cần thiết. Bởi lẽ, có rất nhiều thị trường khác sẵn sàng trả giá cao hơn giá trần của EU để mua được nhiên liệu.
EC đánh giá việc áp trần giá bán buôn khí đốt cũng có thể gây gián đoạn nguồn cung năng lượng từ bên ngoài. Để ứng phó tình trạng khan hiếm năng lượng, cơ quan này khuyến nghị áp dụng nhiều giải pháp, nếu quy định về giá trần với khí đốt, thì chỉ áp dụng ở quy mô hạn chế, chẳng hạn với khí đốt nhập khẩu từ Nga, hoặc khí đốt sử dụng cho sản xuất điện để hạn chế giá điện tăng.
EC cũng khuyến nghị các nước thành viên chủ động đàm phán với các nhà cung cấp thân thiết để giảm giá, hoặc cùng nhau đàm phán mua khí đốt để có được giá tốt và chia sẻ nguồn cung chưa sử dụng.
Cho đến thời điểm các Bộ trưởng Năng lượng thảo luận vấn đề giá trần khí đốt, các nước thành viên vẫn bất đồng sâu sắc, ít nhất là vấn đề cách thức áp dụng. Theo EC, Pháp, Italia, Ba Lan và 12 nước thành viên EU khác ủng hộ, cho rằng quy định về trần giá bán buôn khí đốt có thể giúp kiềm chế lạm phát. Số thành viên còn lại, đi đầu là Đức, Hà Lan và Đan Mạch không chấp thuận phương án này.
Hungary và Đức nhiều lần cảnh báo rằng, việc áp giá trần với khí đốt của Nga có thể kích hoạt hành động trả đũa từ Moskva, trong đó không loại trừ khả năng Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt tới EU. Đây là kịch bản đáng lo ngại nhất, đặc biệt ảnh hưởng tới các nước Trung Âu, nơi tiếp nhận khí đốt của Nga qua tuyến đường ống xuyên Ukraine.
Cũng có ý kiến lạc quan cho rằng, thời điểm hiện tại, lượng khí đốt từ Nga tới châu Âu đã giảm mạnh nhờ nỗ lực của nhiều nước giảm phụ thuộc nguồn cung từ Nga. Vì thế, việc áp giá trần khí đốt không tác động nhiều đến Nga. Hơn nữa, trên thực tế, các nước G7 cũng thúc đẩy áp giá trần với dầu mỏ xuất khẩu của Nga.
Moskva nhiều lần cảnh báo rằng, việc các nước phương Tây đơn phương đặt mức trần cho giá năng lượng mua của Nga là phi lý. Các kế hoạch áp giá trần với dầu mỏ, hay khí đốt xuất khẩu của Nga sẽ thất bại và chỉ đem lại sự bất ổn cho chính phương Tây. Rõ ràng, việc quyết định áp trần giá năng lượng không hề dễ dàng với EU.