Lữ đoàn Đặc công 198 nỗ lực vì bình yên Tây Nguyên

Đóng quân và làm nhiệm vụ ở địa bàn miền trung và Tây Nguyên - nơi cuộc sống của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhiều năm qua, cùng với việc hoàn thành tốt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công 198 thuộc Binh chủng Đặc công, Bộ Quốc phòng còn chú trọng thực hiện tốt công tác dân vận bằng nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả, nghĩa tình, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Lữ đoàn Đặc công 198 xuống nhà dân tuyên truyền, vận động chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Cán bộ Lữ đoàn Đặc công 198 xuống nhà dân tuyên truyền, vận động chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Anh hùng trong kháng chiến

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Minh Mạnh, Chính ủy Lữ đoàn Đặc công 198 cho biết, Lữ đoàn tiền thân là Trung đoàn Đặc công 198 được thành lập ngày 19/8/1974 tại huyện Chư Pả, tỉnh Gia Lai, nay là xã Ea Krái, huyện Ea Grai, tỉnh Gia Lai. Lữ đoàn có nhiệm vụ cơ động tác chiến độc lập và tác chiến hiệp đồng quân binh chủng, bám đánh căn cứ, hậu cứ, kho tàng, sân bay, trung tâm truyền tin, trận địa pháo binh, tiêu diệt sinh lực của địch quan trọng và vũ khí kỹ thuật của đối phương trên địa bàn Tây Nguyên

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, Lữ đoàn đã được tặng thưởng nhiều huân chương, huy chương; ngày 3/6/1976, Lữ đoàn vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; trong Lữ đoàn còn có 3 tập thể, 5 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…

Từ khi trở lại địa bàn Tây Nguyên vào năm 1994 và đóng quân tại thôn Hòa Thành, xã Hòa Đông (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk), cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn luôn giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống Bộ đội Đặc công anh hùng, xây dựng đơn vị vững mạnh về mọi mặt, nâng cao chất lượng huấn luyện và khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và cuộc sống bình yên của nhân dân trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.

Theo Đại tá Nguyễn Minh Mạnh, trong nhiều năm qua, tình hình Tây Nguyên tuy ổn định nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể bùng phát thành điểm nóng, các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá nhằm gây mất ổn định chính trị ở Tây Nguyên.

Cao điểm là vào các năm 2001 và 2004, các thế lực thù địch ra sức chống phá, dụ dỗ, kích động, lôi kéo một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số nhẹ dạ cả tin gây mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và mới đây là vụ khủng bố tấn công vào trụ sở Ủy ban nhân dân xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin vào rạng sáng 11/6.

Lữ đoàn Đặc công 198 nỗ lực vì bình yên Tây Nguyên ảnh 1

Nhờ làm tốt công tác dân vận nên nghĩa tình giữa cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công 198 với đồng bào Tây Nguyên ngày càng thắt chặt.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giúp bà con nâng cao hiểu biết, cảnh giác, nhận rõ thủ đoạn thâm độc và làm thất bại âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Công tác dân vận được Lữ đoàn triển khai thường xuyên, bằng nhiều hình thức, việc làm, với những biện pháp phù hợp; căn cứ đặc điểm tình hình địa bàn, hằng năm đơn vị đều xây dựng nghị quyết lãnh đạo, đề ra biện pháp thực hiện công tác dân vận phù hợp.

Với đặc thù Tây Nguyên có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, để nâng cao hiệu quả công tác dân vận, hằng năm Lữ đoàn phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành phố Buôn Ma Thuột và Ban Nghiên cứu tiếng dân tộc (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk) tổ chức các lớp bồi dưỡng tiếng Ê Đê cho các cán bộ, sĩ quan chuyên nghiệp; từ đó, phối hợp địa phương triển khai tổ chức thực hiện công tác dân vận chặt chẽ, hiệu quả.

Nhiều phong trào thi đua yêu nước

Cùng với các hoạt động nêu trên, Lữ đoàn còn tham mưu, giúp đỡ các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số tập trung xây dựng, củng cố các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh; thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, qua đó phát hiện các công dân, quần chúng ưu tú để tạo nguồn cán bộ, phát triển đảng viên, đoàn viên là người dân tộc thiểu số cho địa phương.

Với trách nhiệm và tình cảm của Bộ đội Cụ Hồ, hằng năm cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn thường xuyên hành quân về các xã, thôn, buôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, đóng góp hàng chục nghìn ngày công lao động tham gia làm đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, kênh mương nội đồng, thu hoạch nông sản, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt; xây dựng, sửa chữa trường học, hội trường thôn, buôn, nhà ở cho nhân dân... giúp địa phương đẩy nhanh chương trình xây dựng nông thôn mới...

Lữ đoàn Đặc công 198 nỗ lực vì bình yên Tây Nguyên ảnh 2

Từ khi được Lữ đoàn Đặc công 198 xây tặng nhà đại đoàn kết vào năm 2019 đến nay, cuộc sống của gia đình ông Y Toan Ayun ở buôn Ea Kmát, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc ngày càng ổn định hơn.

Cùng lãnh đạo Lữ đoàn, chúng tôi ghé thăm gia đình ông Y Toan Ayun ở buôn Ea Kmát, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, được Lữ đoàn tặng ngôi nhà đại đoàn kết rộng 70m2. Ông Y Toan bộc bạch: “Từ ngày được tặng nhà đại đoàn kết đến nay, sức khỏe của vợ chồng tôi tốt hơn, đi làm được nhiều hơn nên cuộc sống đã ổn định hơn trước. Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của bộ đội đặc công, tôi sẽ cố gắng hơn nữa để vươn lên thoát nghèo và chung tay cùng bộ đội giữ gìn an ninh trật tự, cuộc sống bình yên của buôn làng”.

Đi cùng chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Sỹ Cương, Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn Đặc công 198 chia sẻ: “Trong hơn 15 năm qua, nhiều mô hình, phong trào giúp dân đã trở thành truyền thống của đơn vị, điển hình là mô hình “Hũ gạo tiết kiệm”, bình quân mỗi năm đơn vị tiết kiệm được từ 2-2,4 tấn gạo để hỗ trợ hộ nghèo.

Hay như phong trào xóa nhà tạm bợ, đơn vị huy động các nguồn lực xây dựng được 32 nhà đồng đội, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết tặng hộ nghèo, gia đình chính sách, quân nhân có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, với trị giá mỗi căn từ 50-70 triệu đồng; xây dựng tặng 2 trường học với kinh phí 3,7 tỷ đồng tặng cho địa phương.

Hằng năm, đơn vị tổ chức các đợt hành quân dã ngoại kết hợp với làm công tác dân vận về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để khám bệnh, tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho 1.000-1.200 lượt người, với giá trị tiền thuốc từ 15-20 triệu đồng.

Bên cạnh đó, đã thành thông lệ, vào dịp lễ, Tết, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn còn tổ chức các đợt tổng dọn vệ sinh ở thôn, buôn; gặp mặt, tặng quà già làng, trưởng buôn và bí thư chi bộ các buôn, thôn trên địa bàn đóng quân... Thông qua đó, giúp đơn vị nắm vững tình hình, tham mưu cho địa phương xử lý các vụ việc phức tạp, không để phát sinh điểm nóng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn.

Đồng chí Y Đrung Mlô, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc khẳng định: “Những việc làm trách nhiệm và nghĩa tình cùng sự đóng góp quý báu của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công 198 nói riêng, Binh chủng Đặc công nói chung đã giúp đỡ hiệu quả xã Hòa Đông đẩy nhanh tiến độ xóa hộ nghèo, xóa nhà tạm bợ và hoàn thành bê-tông hóa đường giao thông nông thôn. Nhờ vậy, tháng 9/2015, xã Hòa Đông đã đạt chuẩn nông thôn mới”.

Những năm gần đây, công tác dân vận của bộ đội hướng trọng tâm vào hỗ trợ nhân dân và địa phương nơi đóng quân đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, giúp dân phát triển kinh tế, phòng chống thiên tai, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở... góp phần mang lại sự đổi thay, phát triển vững chắc cho nhiều thôn, buôn ở Tây Nguyên.