"Chìa khóa mở cánh cửa lớn để thoát ra khỏi đại dịch"
Trong đó có bài viết của nhà báo người Mỹ gốc Việt Nguyễn Quang Trường, chia sẻ về những việc làm của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng như của anh để góp phần ủng hộ Quỹ vaccine. Đây là một trong những minh chứng sinh động thể hiện “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”, tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, chung sức, đồng lòng của người Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Từ khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát tại Việt Nam, qua trải nghiệm từ các đợt dịch trước, tôi không ngạc nhiên khi thấy toàn dân Việt Nam tiếp tục vào cuộc khẩn trương, nghiêm túc dưới sự điều hành của Chính phủ và các ngành liên quan. Và khi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, kêu gọi người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước tham gia đóng góp kinh phí mua vaccine, trang thiết bị y tế,… thì tôi hiểu “cuộc chiến” lần này phức tạp hơn, và người dân cần nỗ lực hơn, để chung tay cùng chính quyền chiến thắng đại dịch.
Con số hàng nghìn tỷ đồng gửi về Quỹ vaccine chỉ trong một thời gian ngắn cho thấy các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nhiệt tâm như thế nào. Bản thân tôi cũng tích cực tham gia cuộc vận động thông qua trang YouTube Vietnam today để đưa tin, tuyên truyền, cổ động và đã nhận được 100 triệu đồng chuyển đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tham gia cổ động Quỹ vaccine, tạo diễn đàn trên YouTube để người Việt Nam ở nước ngoài thảo luận, tôi được tiếp xúc ý kiến của rất nhiều khán giả từ khắp nơi. Sống xa quê hương, họ tâm sự, bày tỏ sự đồng tình trước chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam và dù phải đương đầu với nhiều khó khăn phòng chống dịch và thực hiện nghĩa vụ công dân với sở tại ai nấy đều hưởng ứng mạnh mẽ, tích cực gửi tiền đóng góp, ủng hộ chống dịch Covid-19 ở trong nước.
Như luật sư Hoàng Duy Hùng ở Houston (Mỹ) trích 10 triệu đồng từ nhuận bút các bài viết đóng góp Quỹ vaccine với lời tâm tình “Người dân có ý thức ở trong nước cũng như ngoài nước, có nhiều đóng nhiều có ít đóng ít, tự nguyện đóng góp, một ngàn đồng cũng rất trân quý. Đó là bổn phận của tôi vẫn nặng lòng với quê hương”. Hoặc anh John Nguyen ở Pháp cùng một số người bạn đã gửi 200 Euro. Anh chia sẻ: “Đây là cơ hội cho người Việt xa quê hương đóng góp “chống giặc Covid” để thể hiện sự đoàn kết, không phân biệt trong và ngoài nước!”.
Chị Vân Lê ở Mỹ, là thân nhân của liệt sĩ Đồng Ích, đóng góp 6,9 triệu đồng bày tỏ: “Người dân đóng góp hoàn toàn tự nguyện. Nếu ai đó không đóng góp, cũng xin đừng cản trở việc đóng góp để cứu người, cứu mình. Tôi xin cảm ơn Chính phủ Việt Nam cho gia đình tôi cơ hội chung tay tham gia những việc làm rất tình người, báo đáp ân sâu nghĩa nặng với quê hương, dân tộc. Tôi mong Việt Nam chống dịch thành công. Hẹn được gặp lại các bạn ở Việt Nam”.
Nhóm của anh Mạnh Linh (CHLB Đức) vận động được 800 Euro, nêu ý kiến: “Đóng góp vào Quỹ vaccine, chung tay đẩy lùi dịch Covid-19 là việc làm thiết thực, mang lại sức khỏe, an toàn cho người dân, ổn định nền kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép mà Chính phủ Việt Nam đề ra. Dù ở xa Tổ quốc nhưng chúng tôi vẫn chung tay “chống giặc”, đó là trách nhiệm của mọi người yêu Tổ quốc”.
Cô Ngọc Mai ở Sacramento (Mỹ) tâm tình: “Năm đầu Việt Nam đã chống dịch rất tốt, bảo vệ người dân. Lần này dịch trở lại, diễn biến phức tạp. Việc Nhà nước kêu gọi người dân ở trong và ngoài nước góp vào Quỹ vaccine, theo tôi là cần thiết, đúng đắn. Đủ vaccine sẽ giải quyết được sự lây lan trong cộng đồng. Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Đảng, Chính phủ. Tôi có trao đổi với người thân trong nước và được biết mọi người đều ủng hộ, sẵn sàng đóng góp người ít người nhiều. Cả thế giới từng không hiểu tại sao Việt Nam có thể thắng được các đế quốc hùng mạnh để có độc lập như hôm nay. Tôi xin thưa, đó là nhờ vào tài lãnh đạo của Đảng và Nhà nước với sự đồng lòng của người dân. Và chúng ta đã có được nền độc lập, một đất nước tươi đẹp như hôm nay. Đối với dịch Covid-19 cũng thế, chúng ta cùng đồng lòng với Đảng và Nhà nước, cùng chung tay góp sức, chúng ta sẽ thắng. Tôi tin tưởng vào sức mạnh, tinh thần đoàn kết của toàn dân Việt Nam”.
Đáng chú ý, trong dịp này ông W. Hubert, 97 tuổi, một cựu chiến binh Mỹ hiện đang sống ở bang California cũng đóng góp 10 triệu đồng. Ông là khán giả thường xuyên theo dõi thời sự ở Việt Nam, đặc biệt là về văn hóa, du lịch. Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, ông đã đóng góp 20 triệu đồng cho quỹ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái. Sau đó, qua trang Vietnam today, ông đóng góp với Quỹ Hòa bình & Phát triển Việt Nam 1.000 USD; đồng thời hỗ trợ 124,75 triệu VND giúp Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái mở một lớp xóa mù chữ cho bà con người H'Mông ở xã Púng Luông (Mù Cang Chải).
Chia sẻ về việc làm của mình, ông W. Hubert tâm sự: “Đóng góp rất nhỏ bé, khiêm tốn của tôi còn là để bày tỏ sự hối hận của một người lính Mỹ trước đây có thời gian gieo rắc chiến tranh ở Việt Nam. Các cựu chiến binh Mỹ chúng tôi luôn luôn mang nặng nỗi buồn, sự mặc cảm, vì vậy ở tuổi gần đất xa trời, trong mọi trường hợp, tôi muốn thành tâm thể hiện tấm lòng của mình với nhân dân Việt Nam”.
Bên cạnh việc nhiệt tình ủng hộ, đóng góp tiền vào Quỹ vaccine, nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã bày tỏ sự bất bình, lên tiếng phản bác các luận điệu xuyên tạc chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, phản đối kẻ xấu vu cáo việc kêu gọi người dân ủng hộ, chung tay đóng góp vào Quỹ vaccine. Ý kiến của họ cho thấy tình đoàn kết, gắn bó giữa người Việt ở trong và ngoài nước.
Như anh Lâm Thọ Hải ở Victoria (Australia) nói: “Chủ trương của Chính phủ Việt Nam gây Quỹ vaccine theo tôi rất nhân văn, nói lên tình đoàn kết dân tộc ở trong và ngoài nước. Vậy mà ở Mỹ, ở Australia, vẫn còn một nhóm người xuyên tạc chủ trương đúng đắn này. Hơn 40 năm qua, bất cứ chuyện gì diễn ra tại Việt Nam, họ đều xuyên tạc. Nhưng họ chỉ là thiểu số. Đáng buồn là dù vẫn cùng máu đỏ, da vàng, vẫn ăn mắm kho, nhưng họ đã quên đi tinh thần tương thân tương ái. Tôi nghĩ trong máu họ, không còn tinh thần Việt nữa. Chuyện chống đối cứ lặp đi lặp lại, không có gì mới. Nên chúng tôi không tin, không để ý nữa. Những người Việt chân chính cần phải cực lực lên án, phản đối những luận điệu xuyên tạc, kể cả các kênh truyền thông đưa tin sai, tin xấu về Việt Nam. Họ không có lương tâm, cố câu view, gây hoang mang cho người thiếu hiểu biết để kiếm tiền. Những kẻ đó bị “hội chứng” sợ Việt Nam thành công. Tôi hoàn toàn tin tưởng, ủng hộ Đảng và Nhà nước Việt Nam, và sẽ đồng lòng cùng người dân chung tay với Quỹ vaccine. Tôi tin chắc chắn khi có đủ vaccine, Việt Nam sẽ chống dịch thành công!”.
Anh Ngọc Sơn ở Praha (Czech) nhận định: “Khi đất nước gặp khó khăn, lúc cần thiết, như năm 1945, Bác Hồ đã kêu gọi người dân đóng góp với “Tuần lễ vàng” và người dân luôn đồng tình, ủng hộ. Với những kẻ chống đối, họ chỉ là thiểu số, lạc lõng ở nước ngoài. Với tư cách một con dân ở xa Tổ quốc, tôi cực lực phản đối những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ chính sách nhân văn, đúng đắn này của Đảng, Nhà nước”.
Chị Kim Liên ở Đức nói: “Với tôi, tình yêu quê hương, đất nước là thiêng liêng, ai cũng vậy, dù người trong nước hay ngoài nước, phải có nghĩa vụ và trách nhiệm chung tay khi cần thiết. Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề cho nhiều quốc gia và Việt Nam cũng rất cần sự đóng góp để chống dịch. Nên tôi ủng hộ và đóng góp, đó là lẽ đương nhiên”.
Luật sư Hoàng Duy Hùng cũng cho biết: “Các thế lực thù địch, nhà dân chủ cuội, các kênh truyền thông ở hải ngoại không có thiện chí với Việt Nam, quy chụp cuộc vận động Quỹ vaccine của Chính phủ Việt Nam thì không có gì đáng ngạc nhiên. Bởi họ luôn muốn kích động, xuyên tạc, đâm thọc để đòi lật đổ Chính phủ. Đó là âm mưu của họ. Tôi cực lực lên án, phản đối những âm mưu này”.
Cô Phùng Tuệ Châu ở California thì thẳng thắn: “Tôi ủng hộ quyết định mở Quỹ vaccine của Chính phủ Việt Nam. Tôi góp 500 USD vào Quỹ, qua Lãnh sự quán Việt Nam ở San Francisco. Tôi kêu gọi người dân trong và ngoài nước hưởng ứng, chung tay với Chính phủ Việt Nam, mỗi người một ít. Đây là việc làm chính nghĩa, là trách nhiệm của mỗi người dân, phù hợp với lòng trời, lòng đất. Tôi hoàn toàn phản đối những luận điệu xuyên tạc từ phía những tổ chức chống cộng cực đoan ở hải ngoại”.
Anh Song Phạm ở Irvine (Mỹ) phân tích: “Họ nói Chính phủ Việt Nam bòn rút tiền của người dân trong nước, xin xỏ tiền của kiều bào là hoàn toàn sai. Đây là cuộc vận động quyên góp rất ý nghĩa mà Chính phủ Việt Nam muốn xây dựng, tạo cơ hội cho người dân trong nước và ngoài nước có dịp cùng nhau làm việc chung trên tinh thần tương thân tương ái, cưu mang, đùm bọc lẫn nhau.
Nước Mỹ giàu mạnh như vậy, nhưng chính phủ vẫn kêu gọi người dân đi chích ngừa, vận động các nhà tư bản, doanh nghiệp tham gia ủng hộ chống Covid-19. Đã có rất nhiều tấm gương từ người dân, từ người già đến trẻ em đóng góp với các tổ chức, hội thiện nguyện chống Covid-19.
Trong khi đó, trái ngược lại, một số người Việt chống cộng cực đoan thiếu suy nghĩ, thiếu cái nhìn rộng, thiếu trách nhiệm với quê hương, nói năng khó nghe. Họ không có tinh thần trách nhiệm của một người Việt cùng máu đỏ da vàng, cần giúp đỡ, tương trợ nhau. Đất nước, quê hương là của chung. Ở Mỹ bao nhiêu năm rồi, họ đã quên tinh thần tương trợ nhau trong những khi cần thiết như thiên tai, giặc giã, dịch bệnh”.
Có thể nói, từ những gì trực tiếp chứng kiến trong thực tế tôi càng thấm thía và hiểu thêm về tinh thần “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”, về đoàn kết là sức mạnh, cùng nhiều câu chuyện đẹp, cảm động đã được lan tỏa, tôi càng tin vào quyết sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành chức năng và toàn dân. Những trải nghiệm đó đem tới cho tôi một cảm nhận chắc chắn rằng Việt Nam sẽ nhanh chóng chiến thắng dịch bệnh và tiếp tục phát triển.
Bởi lòng dân luôn chung về một mối, mỗi khi đất nước gặp khó khăn thì tình đoàn kết, nghĩa đồng bào lại như ngọn đuốc sáng, khơi dậy tình yêu quê hương, Tổ quốc, lan tỏa đến mọi nơi, cả trong và ngoài nước, để mọi con dân nước Việt hướng về quê mẹ, chung tay vì đất nước và tin tưởng vào tương lai của một Việt Nam ngày càng tươi đẹp.