Long An tìm giải pháp phát triển du lịch bền vững

NDO - Ngày 20/9, trong khuôn khổ Tuần Văn hóa-Du lịch tỉnh Long An năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An tổ chức hội thảo với chủ đề: “Giải pháp phát triển bền vững du lịch Long An giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Long An là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam, là cửa ngõ xuống đồng bằng sông Cửu Long; phía bắc giáp tỉnh Tây Ninh và Vương quốc Campuchia, có đường biên giới dài 133km; phía đông giáp Thành phố Hồ Chí Minh; phía nam giáp tỉnh Tiền Giang và phía tây giáp với tỉnh Đồng Tháp.

Với vị trí “giao thoa” giữa vùng kinh tế trọng điểm phía nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long, Long An đóng vai trò cầu nối giữa 2 vùng kinh tế quan trọng trong giao thương hàng hóa và du lịch.

Tài nguyên du lịch của tỉnh Long An tương đối phong phú và đa dạng về cảnh quan sông nước, rừng tràm; có hệ sinh thái đất ngập nước Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen; có 122 di tích lịch sử-văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, danh thắng, khảo cổ và 3 công trình văn hóa có tính lịch sử.

Từ đầu năm đến nay, ngành du lịch Long An phục hồi rất tốt sau đại dịch Covid-19, đã đón hơn 300.000 lượt khách tham quan, tổng doanh thu hơn 150 tỷ đồng.

Thời gian qua, Long An luôn nỗ lực phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế, du lịch của Long An vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của du khách; vẫn còn hạn chế trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, chưa có nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng...

Để du lịch Long An phát triển bền vững trong thời gian tới, nhiều chuyên gia đề nghị Long An cần đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch thế mạnh, như: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch gắn với văn hóa, di sản, ẩm thực; cần đầu tư khai thác các hoạt động trải nghiệm nâng cao cho du khách; tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong quản lý nhà hàng, khách sạn, hướng dẫn viên đáp ứng được nhu cầu của du khách; đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối với các điểm du lịch, các trung tâm đô thị; tăng cường mở tour khảo sát cho các doanh nghiệp lữ hành, hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn gặp khó khăn.

Cùng với đó, phối hợp các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long xây dựng tour, tuyến đặc trưng tránh trùng lặp với tỉnh bạn; tăng cường liên kết với du lịch Thành phố Hồ Chí Minh để kéo dài thời gian đến cho du khách trong nước và quốc tế…