Long An tháo "nút thắt" giao thông cửa ngõ miền Tây Nam Bộ

Tỉnh Long An đang tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông hiện hữu và mở mới các trục giao thông kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh; với Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp để làm đòn bẩy cho các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian sớm nhất.
0:00 / 0:00
0:00
Khảo sát tiến độ giải phóng mặt bằng đường vành đai 3 tỉnh Long An.
Khảo sát tiến độ giải phóng mặt bằng đường vành đai 3 tỉnh Long An.

Là tỉnh nằm ngay cửa ngõ đi các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ và ngược lại Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Ðông Nam Bộ, thời gian qua, "nút thắt" giao thông của Long An đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình kết nối giao thương, thu hút đầu tư, tạo đà cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và các tỉnh trong khu vực.

Nhiều điểm nghẽn

Ðiển hình điểm nghẽn về giao thông như ở huyện Ðức Hòa, tỉnh Long An, nơi có quốc lộ N2 đi ngang qua và là cửa ngõ miền Tây Nam Bộ giáp ranh với Thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây có bảy khu công nghiệp và 10 cụm công nghiệp hoạt động, số dân hơn 450 nghìn người. Ðây là vùng kinh tế trọng điểm của Long An, thu ngân sách đạt gần 1.400 tỷ đồng trong năm 2022. Tuy nhiên, giao thông vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Hay như khu vực Ðồng Tháp Mười (gồm ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Ðồng Tháp) chưa thể khai thác được nhiều tiềm năng kinh tế là do hạ tầng giao thông quốc lộ 62 và N2 chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Ông Nguyễn Văn Vũ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An cho biết, quốc lộ 62 đi từ quốc lộ 1A đến Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, dài khoảng 66km. Ðây là tuyến giao thông huyết mạch kết nối các tiểu vùng sông Mê Kông của Campuchia với Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, tuyến quốc lộ 62 do mặt đường xuống cấp, nhỏ, hẹp, cho nên các phương tiện di chuyển chậm. Chính điểm nghẽn về giao thông là trở ngại dẫn đến chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Bình Hiệp và các khu đô thị trung tâm tại các huyện khu vực biên giới. Khu kinh tế cửa khẩu Bình Hiệp có diện tích hơn 168ha nhưng hiện chỉ có hai doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng hoạt động trên diện tích hơn 23ha. Ðối với phát triển đô thị, địa phương đang huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Sân bay giai đoạn 2, gắn với khu biệt thự nhà vườn nhưng đang gặp khó khăn khi kêu gọi đầu tư do "nút thắt" giao thông quốc lộ 62.

Gỡ "nút thắt" về giao thông

Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An Ðặng Hoàng Tuấn cho biết, để tháo "nút thắt" giao thông, tỉnh đang huy động mọi nguồn lực đầu tư mở rộng, đầu tư mới hạ tầng giao thông kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và các trục giao thông quốc gia đi qua địa bàn tỉnh. Cụ thể, từ nay đến năm 2025, Long An triển khai trục đường tỉnh 823D từ quốc lộ N2 (thuộc địa phận Ðức Hòa) kết nối vào đường vành đai 3 thuộc huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tại, dự án đang được các nhà thầu tập kết vật tư, thiết bị, xe máy triển khai bảy mũi thi công tại các đoạn đã được địa phương bàn giao mặt bằng.

Tại huyện Bến Lức, các đơn vị đang triển khai mở rộng tuyến đường 830C kết nối với đường Nguyễn Hữu Trí của Thành phố Hồ Chí Minh. Huyện Cần Giuộc đang tiến hành cắm mốc giải phóng mặt bằng quốc lộ 50B. Ðây là trục giao thông kết nối từ Thành phố Hồ Chí Minh qua Long An về đến ngã 3 Trung Lương của tỉnh Tiền Giang. Khi quốc lộ 50B hoàn thành đưa vào sử dụng là trục giao thông động lực song hành với quốc lộ 1A, đoạn từ Tiền Giang đến đường Phạm Hùng của Thành phố Hồ Chí Minh. Còn quốc lộ 50 kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, Long An và Tiền Giang, đoạn đi qua địa phận tỉnh Long An đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng.

Bên cạnh đó, là dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đi qua địa phận huyện Bến Lức, tỉnh Long An dài 6,84km. Huyện đã ban hành thông báo thu hồi đất và cũng đã công bố giá bồi thường giải phóng mặt bằng. Dự kiến tháng 6/2023 sẽ khởi công dự án, bảo đảm hoàn thành thông xe phần cao tốc vào năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Út cho biết, đối với dự án vành đai 3, Long An sẽ tạo mọi điều kiện bố trí nguồn vốn 1.168 tỷ đồng để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư kịp thời giúp nhân dân ổn định cuộc sống, bảo đảm nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ.

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An, dự án quốc lộ 62 đã được Bộ Giao thông vận tải trình Quốc hội ghi vốn hơn 2.257 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng và theo kế hoạch sẽ khởi công nâng cấp, mở rộng vào năm 2024. Khi tuyến quốc lộ này hoàn thành, đưa vào sử dụng không chỉ khai thác tốt tiềm năng kinh tế khu vực Ðồng Tháp Mười mà còn cả vùng đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh qua Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp để kết nối với các tiểu vùng sông Mê Kông của Campuchia. "Tỉnh Long An đang tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông hiện hữu và mở mới các trục giao thông kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh; với Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp để làm đòn bẩy cho các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian sớm nhất", đồng chí Nguyễn Văn Út nhấn mạnh ■