Huyện Cần Đước là một địa phương nghèo của tỉnh Long An, nằm ngay cửa sông ra biển. Điện, đường, trường, trạm, nước sạch… đều không đạt chuẩn theo bộ tiêu chí nông thôn mới. Hàng nông sản luôn bị thương lái ép giá do giao thông lầy lội, nhỏ hẹp. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, sau 10 năm chung tay xây dựng nông thôn mới đã phá thế vùng sâu, kéo cuộc sống người dân nông thôn gần bằng với thành thị. Ông Ngô Văn Khải, ở Ấp 3, xã Tân Ân, huyện Cần Đước cho biết, người dân rất phấn khởi khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đang tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu.
Đường giao thông trên địa bàn xã được nâng cấp, mở rộng liên hoàn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển và trao đổi hàng hóa. Trường, trạm, điện, nước sạch… được đầu tư đạt chuẩn quốc gia; toàn dân đều được tham gia bảo hiểm y tế, giảm chi phí trong việc khám, chữa bệnh. Các tuyến đường nông thôn luôn sáng điện khi màn đêm buông xuống, bảo đảm đi lại và an ninh trật tự. Nhà kiên cố, cao tầng xây dựng ngày càng nhiều. Các tổ hợp tác trong sản xuất nông nghiệp được thành lập đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát triển kinh tế hộ, nâng cao thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Đủ, ở Ấp 2, xã Phước Đông, huyện Cần Đước phấn khởi cho biết: Chương trình nông thôn mới đang giúp cho người dân hưởng lợi rất lớn. Rõ nét nhất là khi Nhà nước vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường nông thôn từ 3 mét lên 5 mét thì việc đi lại thuận lợi, hàng nông sản thu hoạch bán bằng giá với nơi dọc các trục đường chính, dân rất phấn khởi. Nhà tranh, vách lá đã được thay thế bằng nhà xây, kinh tế nông hộ tăng lên, đời sống của người dân nông thôn giờ gần giống như thành thị.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phước Đông Nguyễn Văn Tuyền cho biết: Phước Đông đang trong lộ trình tiến lên xã nông thôn mới nâng cao. Tất cả các trục đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã đã được mở rộng, nâng cấp. Đời sống nhân dân đã được nâng lên theo từng cung đường nông thôn mới. Thu nhập của người dân trong xã đạt khoảng 65 triệu đồng/người/năm.
Cách làm của địa phương là lấy dân làm gốc, trên nền xã đạt chuẩn nông thôn mới, địa phương đã tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất, góp tiền theo khả năng, góp công lao động để nâng cấp, mở rộng tất cả các tuyến đường nông thôn liên ấp, liên xã đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Khi đường nông thôn được mở rộng, xe tải đến tận nhà người dân vận chuyển hàng hóa, giá bán bằng với những nơi dọc các trục lộ chính, từ đó nhân dân đồng thuận thực hiện.
Còn xã Tân Ân, huyện Cần Đước được công nhận nông thôn mới nâng cao vào năm 2020, từ đó đến nay đời sống của người dân được nâng lên đáng kể, thu nhập của người dân đang ở mức 65 triệu đồng/người/năm. Hộ nghèo chỉ còn 18 hộ, chiếm 0,7% số dân toàn xã; trên 85% người dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt vệ sinh; giao thông liên ấp, liên xã được mở rộng kết nối thông suốt; 19/19 tuyến giao thông trên địa bàn đã có “ánh đèn kiểu mẫu”… Đây là cơ sở để xã Tân Ân tiến lên xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cần Đước Đào Hữu Tấn cho biết: Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, 16/16 xã và thị trấn Cần Đước đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới; 5/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thu nhập của người dân trên địa bàn huyện đạt hơn 65 triệu đồng/người/năm. Phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới ở Cần Đước đã cải thiện rõ nét đời sống của người dân, qua đó dân rất phấn khởi, đóng góp thêm nhiều ý tưởng, công sức, của cải để chung tay xây dựng nông thôn mới. Cần Đước đang hoàn chỉnh hồ sơ trình tỉnh để trình Trung ương thẩm định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023.
Đối với huyện Châu Thành, sau 5 năm được Trung ương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tiếp tục bắt tay xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao. Kết quả, 13 xã và thị trấn của huyện đã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Hiện Châu Thành đang trong lộ trình hoàn thiện hồ sơ để trình Trung ương thẩm định công nhận huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh Long An.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An Nguyễn Thanh Truyền cho biết: Long An hiện có 118/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 28 xã đạt nông thôn mới nâng cao; 4 đơn vị hành chính (các huyện Châu Thành, Tân Trụ, thị xã Kiến Tường và thành phố Tân An) đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới. Cần Đước là đơn vị hành chính thứ 5/15 của tỉnh đang hoàn chỉnh hồ sơ trình Trung ương thẩm định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.
Mục tiêu của Long An trong những tháng còn lại của năm 2023 là phấn đấu có thêm một huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nâng lên 6/15 đơn vị hành chính đạt chuẩn nông thôn mới; hoàn tất hồ sơ trình Trung ương thẩm định công nhận huyện Châu Thành đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; giải ngân đúng tiến độ nguồn vốn hơn 424 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023.