Long An kỷ niệm 195 năm ngày sinh nhà trí thức yêu nước Nguyễn Thông

NDO - Chiều 20/7, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Long An tổ chức lễ dâng hương kỷ niệm 195 năm ngày sinh nhà trí thức yêu nước Nguyễn Thông và khánh thành nhà trưng bày tại Di tích lịch sử Khu lưu niệm Nguyễn Thông tại xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, Long An.
0:00 / 0:00
0:00
Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo tỉnh Long An cắt băng khánh thành nhà trưng bày tại Di tích lịch sử Khu lưu niệm Nguyễn Thông.
Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo tỉnh Long An cắt băng khánh thành nhà trưng bày tại Di tích lịch sử Khu lưu niệm Nguyễn Thông.

Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tham dự.

Cụ Nguyễn Thông tên thật là Nguyễn Thới Thông, tiểu danh là Thiệu, tự là Hy Phần, hiệu là Kỳ Xuyên, biệt hiệu là Độn Am. Cụ sinh ngày 21/7/1827 tại thôn Bình Thanh, tổng Kiến Thạnh, huyện Kiến Hòa (nay thuộc ấp Bình Trị 2, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Cụ là nhà hoạt động chính trị-xã hội, nhà giáo dục, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng, nhà sử học có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp chung của đất nước.

Cụ Nguyễn Thông từng được triều đình bổ nhiệm giữ các chức vụ: Hàn lâm viện tu soạn; Đốc học tỉnh Vĩnh Long; Tư nghiệp Quốc tử giám; Điển nông phó sứ kiêm Đốc học tỉnh Bình Thuận,...

Cụ Nguyễn Thông cũng là người có nhiều đóng góp cho hoạt động cứu nước, đặc biệt là ở Nam Bộ. Năm 1859, Pháp đánh chiếm thành Gia Định, nhà yêu nước Nguyễn Thông tình nguyện về phía nam chiến đấu và giữ chức Vệ úy, quyền Chưởng doanh Long Vũ, Chưởng vệ, Phó đề đốc. Cụ Nguyễn Thông cùng cậu ruột là Tú tài Trịnh Quang Nghị và em họ là Cử nhân Phan Văn Đạt tập hợp nghĩa binh tổ chức kháng chiến chống Pháp nhưng không thành công…

Nhằm thể hiện lòng tôn kính, tri ân nhà trí thức yêu nước, nhà văn hóa tiêu biểu Nguyễn Thông cũng như góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, UBND tỉnh Long An đã đầu tư dự án bảo tồn, tôn tạo Khu lưu niệm Nguyễn Thông với những hạng mục chính như cổng, hàng rào, nhà bia, nhà trưng bày... với tổng kinh phí hơn 9,1 tỷ đồng.

Sau gần 1 năm thi công, đến nay công trình nhà trưng bày thân thế sự nghiệp cụ Nguyễn Thông được khánh thành, đưa vào sử dụng. Việc bảo tồn, tôn tạo Khu lưu niệm Nguyễn Thông thể hiện tính nhân văn, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cũng như góp phần khơi gợi tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

Tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND huyện Châu Thành cùng các sở, ngành có liên quan tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy hơn nữa giá trị lịch sử của di tích quốc gia Khu lưu niệm Nguyễn Thông để nơi đây trở thành một công trình văn hóa quan trọng, phục vụ ngày càng tốt hơn công tác giáo dục truyền thống cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.