Để tạo bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Long An đã quy hoạch 37 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 12.285 ha.
Hiện tại, đã có 24 khu công nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư, trong đó có 18 khu công nghiệp đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 86,45%. Số lượng công nhân, lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp khoảng 212.000 người.
Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An Nguyễn Văn Hùng cho biết, để giữ chân nguồn nhân lực, Long An đã xây dựng 28 dự án nhà ở xã hội; đến nay có 7 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu cho khoảng 8.000 người, 21 dự án đang triển khai.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 4.800 khu nhà trọ của hộ gia đình và cá nhân tự đầu tư với 77.200 căn, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 156.200 công nhân lao động có thu nhập thấp.
Mặc dù thời gian qua Long An đã thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội nhưng kết quả triển khai chỉ mới đạt khoảng 19%, vẫn còn thấp so với kế hoạch, chưa bảo đảm chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong khi đó, nguồn nhân lực đáp ứng cho việc phát triển công nghiệp dự kiến đến năm 2030 sẽ tăng lên khoảng 305.000 người, trong đó lao động nhập cư chiếm khoảng 50%, tương đương khoảng 152.500 công nhân.
Vì vậy, tỉnh đang tập trung huy động mọi nguồn lực để hoàn thành đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ hoàn thành 22.500 căn và đến năm 2030 hoàn thành 48.750 căn trong tổng số 71.250 căn nhà ở xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An Huỳnh Văn Sơn khẳng định: Thời gian tới Long An sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, sự tham gia của cả hệ thống chính trị để phát triển nhà ở xã hội.
Sở Xây dựng, các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát khó khăn, vướng mắc điểm nghẽn để tập trung tháo gỡ; xác định lại các quy hoạch xây dựng, sử dụng đất đã có, quy hoạch đang chuẩn bị triển khai và đã đề xuất quy hoạch vị trí khu đất phù hợp để đầu tư các khu nhà ở xã hội.
Phối hợp thực hiện đồng bộ các loại chính sách từ đất đai, đầu tư, xây dựng; các loại thuế, chính sách cho người lao động, chính sách đặc thù riêng của tỉnh Long An để giữ chân nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, Long An đang xây dựng các cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn khu công nghiệp-khu đô thị.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Long An cũng cam kết luôn tạo điều kiện tốt nhất cho chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi thấp hơn 1,5% – 2% so với lãi suất cho vay trung và dài hạn. UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Tài chính nghiên cứu, xây dựng cơ chế thành lập Quỹ nhà ở xã hội do các chủ đầu tư thực hiện…
Nhiều giải pháp đang triển khai thực hiện xây dựng nhà ở xã hội là cách giữ chân nguồn nhân lực; là chìa khóa để Long An đạt mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp, cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị-công nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; là đầu mối giao thương quan trọng hợp tác với Campuchia trong quá trình phát triển kinh tế biên mậu nhằm phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới.