Long An đang thực hiện giãn cách xã thội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, 125 chợ truyền thống trên địa bàn đã tạm dừng hoạt động để chống dịch Covid-19.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) Nguyễn Quốc Cường cho biết, để kịp thời cung ứng các loại rau, củ quả phục vụ bữa ăn hằng ngày của người tiêu dùng tai các địa phương đang giãn cách xã hội, khu vực cách ly, khu phong tỏa, Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thạnh đã tăng công suất thu mua và sơ chế lên 300% sản lượng so với lúc chưa thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Bình quân mỗi ngày, Hợp tác xã thu mua và giao 20 tấn rau, củ, quả cho các đơn vị phân phối tại Long An, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Tiền Giang. Nếu tính theo đơn đặt hàng thì Hợp tác xã chỉ mới đáp ứng được 2/3 như cầu các các đơn vị phân phối.
Về giá cả, Hợp tác xã chỉ tính chi phí tăng thêm 2.000 - 3.000 đồng/kg so những ngày bình thường vì xăng tăng giá, phí xét nghiệm cho các tài xế đi qua mỗi tỉnh.
Cụ thể, mướp trái thu mua của nông dân có giá 15.000 đồng/kg, vận chuyển từ Cà Mau về đến Hợp tác xã sơ chế, đóng gói đưa đến nhà cung cấp lớn ở TP Hồ Chí Minh có giá 18.000 đồng/kg, trong khi đó giá thị trường tại một số chợ truyền thống của các tỉnh khoảng 40.000 đồng/kg; dưa leo, củ cải đỏ, bắp cải… ngoài thị trường có giá cao hơn 1/3 lần so hợp tác cung ứng.
Để chia sẻ khó khăn cùng người tiêu dùng thì ngành chức năng cần có giải pháp can thiệp về giá, như: kêu gọi doanh nghiệp bán hàng bình ổn giá để người tiêu dùng mua được hàng giá thấp nhất, hợp lý nhất.
Ông Cường cho biết thêm, nguồn cung hàng nông sản của Hợp tác xã Mỹ Thạnh rất dồi giàu nhưng vận chuyển không kịp nhu cầu của các đơn vị phân phối ngay trong ngày với lý do vướng về thủ tục qua lại giữa các địa phương.
Kết quả test nhanh tại tỉnh Long An của các tài xế chỉ đi được vào TP Hồ Chí Minh nhưng đi sang Đồng Tháp thì phải xét nghiệm lại. Để kịp thời vận chuyển hàng hóa phục vụ người tiêu dùng tại các vùng dịch, Hợp tác xã Mỹ Thạnh đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải các tỉnh cần tạo điều kiện dễ nhất để lái xe cũng như nhà cung cấp đưa hàng kịp đến tay người tiêu dùng được nhanh nhất.
Trên địa bàn Long An hiện có 4 trung tâm thương mại; 14 cửa hàng San Hà; 86 cửa hàng Bách hóa Xanh; 2 doanh nghiệp bách hóa tổng hợp; 26 doanh nghiệp gạo; 14 hợp tác xã rau củ, quả và hàng chục doanh nghiệp, cơ sở thuộc các mặt hàng thiết yếu khác.
Chỉ tính riêng 5 doanh nghiệp cung ứng hàng hóa lớn là Co.op mart, Bách hóa Xanh, San Hà, Vinmart, Vinmart+ đã dự trữ số lượng hàng hóa với giá trị gần 600 tỷ đồng. Đến thời điểm này, cơ bản các đơn vị phân phối đã đáp ứng được hơn 80% nhu cầu hàng hóa thiết yếu tiêu dùng hằng ngày cho người dân trên địa bàn tỉnh Long An.
Giám đốc Sở Công thương Long An Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, sau khi Long An thực hiện Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, cùng với đó đã tạm dừng hoạt động 125 chợ truyền thống thì các mặt hàng thực phẩm tươi sống có thiếu hụt cục bộ nhưng trong thời ngắn đã được các doanh nghiệp và hợp tác xã kịp bổ sung lượng hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Về giá, Sở Công thương đã đề nghị các đơn vị cung ứng hàng hóa lớn giữ ổn định, chỉ tăng giá đối với những chi phí phát sinh hợp lý do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến lưu thông hàng hóa gặp khó khăn.
Về kiểm soát thị trường, Sở đã ra quân kiểm tra kiểm tra các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh, ngành chức năng tại các huyện, thị xã, thành phố tiến hành kiểm tra hộ tiểu thương, hộ mua bán nhỏ… phát hiện có trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý, gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì cần xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.