Thúc đẩy chuyển đổi “kép”
Những năm gần đây, đời sống kinh tế-xã hội của Thủ đô đã có những chuyển biến mới nhờ ứng dụng khoa học-công nghệ hiện đại. Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, những thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã giúp tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm…
Nhưng để đạt mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, Hà Nội hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, thì thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực.
Thành phố nên ưu tiên các nguồn lực về vốn, đất đai, hạ tầng để tạo điều kiện cho hoạt động nghiên cứu khoa học-công nghệ, cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và đưa các thành quả nghiên cứu vào ứng dụng thực tế.
Cùng với chuyển đổi số, thành phố cần thúc đẩy cả chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường, hình thành chuyển đổi “kép” để phát triển bền vững.
TRẦN MINH NAM (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội)
Đẩy mạnh ưu đãi cho công nghiệp văn hóa
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”, thành phố đã đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa.
Tuy nhiên, để công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cần có giải pháp thu hút đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân, những người làm trong lĩnh vực sáng tạo và đặc biệt là các doanh nghiệp. Hiện nay, Luật Thủ đô đã cho phép Hà Nội thực hiện ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất… khi đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Tôi cho rằng, khi triển khai trên thực tế, Hà Nội cần cụ thể hóa hơn nữa những giải pháp thu hút đầu tư. Ngoài những ưu đãi theo Luật Thủ đô, cần tạo thủ tục thông thoáng, giải pháp thu hút nhân lực chất lượng cao, đầu tư hạ tầng… Chỉ khi thực hiện đồng bộ các giải pháp, công nghiệp văn hóa Hà Nội mới phát triển tương xứng với tiềm năng.
TRƯƠNG KIM DUNG (phố Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội)
Tập trung xây dựng các tuyến đường sắt đô thị
Tôi thấy rất mừng khi thời gian qua, Hà Nội đã đưa vào sử dụng hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông và Nhổn-ga Hà Nội và nhanh chóng được đông đảo người dân tham gia. Điều này cho thấy sức hút rất lớn của loại hình vận tải hành khách công cộng văn minh, hiện đại này, vừa góp phần giảm ùn tắc giao thông, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường.
Do đó, tôi đề nghị trong giai đoạn tới, Thủ đô cần đẩy mạnh phát triển đường sắt đô thị. Thành phố đề ra mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành đầu tư xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài hơn 410,8km, tổng nhu cầu vốn khoảng 37,2 tỷ USD. Đây là những con số rất lớn, nhưng để Thủ đô phát triển, chúng ta không thể không làm.
Cùng với sự đầu tư từ ngân sách, các cơ quan chức năng nghiên cứu có những cơ chế chính sách phù hợp để thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực. Có như vậy, quy hoạch mới có thể thành hiện thực.
VŨ THANH NIÊN (Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội)
Phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại
Nhiều năm qua, thành phố Hà Nội có nhiều chính sách hỗ trợ và thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, số lượng các cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố còn hạn chế, chưa hình thành được vùng sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn không mặn mà đầu tư vào nông nghiệp do quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, thiếu ổn định.
Trong bối cảnh đó, Hà Nội nên tập trung phát triển nông nghiệp đô thị với các giải pháp về công nghệ, sinh thái để nâng cao giá trị sản phẩm trên diện tích chật hẹp, tạo không gian xanh cho đô thị, tận dụng thị trường tại chỗ.
Cùng với đó, phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển sản phẩm OCOP của các địa phương để thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho người dân.
NGUYỄN THỊ HOA (Xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì)
Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
Nông thôn của Hà Nội có những đặc thù, không giống với khu vực nông thôn ở các địa phương khác. Nông thôn của Hà Nội cần có bản sắc, cần được đầu tư để là nơi tạo ra sinh kế cho người dân từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, phát triển các làng nghề, phát triển du lịch…
Trong khi khu vực đô thị đang chịu nhiều áp lực, khu vực nông thôn chính là nơi giảm tải cho khu vực đô thị trung tâm. Hà Nội đang trong tiến trình nâng cao chất lượng, tỷ lệ đô thị hóa cao, nhưng không biến khu vực nông thôn thành đô thị một cách khiên cưỡng khi chưa đủ điều kiện.
Khu vực nông thôn của Hà Nội cần được đầu tư hạ tầng với tiêu chuẩn, tiêu chí của đô thị, hướng tới không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân cả khu vực đô thị và nông thôn.
ĐĂNG QUANG (phố Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội)