Lời Người vọng mãi ngàn năm

NDO -

Trong 5 năm trở lại đây, diện mạo và đời sống của người dân huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) không ngừng đổi thay về mọi mặt, cơ sở hạ tầng, giao thông, đô thị, du lịch dịch vụ được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại; Cô Tô đang trở thành một điểm du lịch hấp dẫn thu hút mạnh mẽ du khách trong nước và quốc tế ra thăm quan, nghỉ dưỡng trên đảo mỗi năm. Sáu mươi năm kể từ Ngày Bác Hồ ra thăm đảo, Cô Tô đang nỗ lực hướng tới trở thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển đảo cấp quốc gia hiện đại, từng bước vươn mình trở thành đảo Ngọc ở vùng Đông Bắc Tổ quốc như lời Bác Hồ đã từng mong muốn.

Khu tưởng niệm Bác Hồ trên đảo Cô Tô
Khu tưởng niệm Bác Hồ trên đảo Cô Tô

Khắc ghi lời Bác dặn

Cách đây vừa tròn 60 năm, quân và dân huyện đảo Cô Tô vinh dự được đón Bác Hồ ra thăm đảo; Đây cũng là nơi duy nhất khi còn sống, Bác Hồ đã cho dựng tượng Người trên đảo.

Trong lần ra thăm đảo vào năm 1961, Bác đã căn dặn quân và dân trên đảo: “Thủ đô Hà Nội tuy xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết, cố gắng tiến bộ”.

Hơn nửa thế kỷ qua, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, quân và dân trên đảo đã đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tùng bước xây dựng huyện đảo phát triển mạnh mẽ, vươn mình cùng các địa phương trong tỉnh và là lá chắn vững chắc nơi tiền tiêu vùng biển Đông Bắc của tổ quốc.

Đảo Cô Tô đón chúng tôi trong ngập tràn sắc nắng tháng 5 và cờ hoa rực rỡ từ cầu cảng Cô Tô cho đến các con đường dẫn vào trung tâm của huyện. Hòa chung với không khí vui tươi, phấn khởi chào mừng Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước 30-4, Ngày quốc tế lao động 1-5 và Ngày hội bầu cử của cả nước, quân và dân trên đảo Cô Tô những ngày này đang ra sức thi đua lao động sản xuất, lập nhiều thành tích hướng về kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ ra thăm quân và dân trên đảo.

Anh Nguyễn Hải Linh, Phó trưởng phòng du lịch huyện Cô Tô, chia sẻ: Huyện Cô Tô và mỗi người dân trên đảo xác định sẽ không phát triển nóng bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy mục tiêu phát triển mà sẽ coi trọng phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, không ngừng nâng cao dân trí và đời sống của nhân dân; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ, tái tạo tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững.

Đến nay, Cô Tô đã giải quyết dứt điểm bài toán về điện và nước ngọt; Cùng với đó, giao thông từ đất liền ra đảo và ngược lại cũng thuận lợi, nhanh chóng và an toàn hơn. Hiện nay, đã có hàng chục con tàu cao tốc, siêu tốc hiện đại được các doanh nghiệp đầu tư hàng chục tỷ đồng đã từng bước nâng cao chất lượng vận tải hành khách, đồng thời rút ngắn hành trình từ đảo tới đất liền, kể cả trong điều kiện thời tiết gió bão trên cấp 6; Đồng thời hoàn thành cải tạo nâng cấp mở rộng đường xuyên đảo, Trung tâm thương mại, Trung tâm y tế, đang triển khai nâng cấp, mở rộng đường xuyên đảo Thanh Lân, hồ chứa nước C4 và một số hạng mục tại khu vực dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc Vịnh Bắc bộ và xây dựng Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ với diện tích 54ha, có tổng mức đầu tư hơn 450 tỷ đồng.

Lời Người vọng mãi ngàn năm -0
Huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh).

Đời sống người dân huyện đảo được nâng lên cả về vật chất và tinh thần. Đến nay, 100% các trường học từ mầm non đến các cấp phổ thông của huyện đều đạt chuẩn quốc gia; các cơ sở y tế, nhà văn hóa, thể thao được đầu tư đồng bộ và khang trang; hạ tầng viễn thông tương đương khu vực đất liền, giao thông kết nối từ đảo vào đất liền đã rút ngắn với những chuyến tàu tấp nập ra, vào cảng. Nhờ hướng đi đúng đắn chuyển đổi ngành nghề từ nông nghiệp, ngư nghiệp sang phát triển du lịch dịch vụ, đến nay đời sống nhân dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 900 USD/người/năm, thì đến năm 2020 đã nâng lên 5.000 USD/người/năm; toàn huyện đã không còn hộ nghèo từ tháng 7-2019; Năm 2020, huyện Cô Tô đã nỗ lực vươn lên đứng vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng DDCI khối các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, vượt lên bốn bậc so với năm 2019.

Bà Trần Thị Trác, ở khu 4, thị trấn Cô Tô, một trong những người được tham gia sự kiện đón Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô vào ngày 9-5-1961 xúc động kể lại: Khi đó, bà đang là dân quân được cử cùng với bộ đội đảo làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự cho buổi lễ đón Bác. Do yêu cầu bí mật an ninh, bà cùng mọi người chỉ được quán triệt rằng chuẩn bị "đón khách Trung ương". Mặc dù đã hơn nửa thế kỷ, nhưng bà vẫn nhớ như in buổi nói chuyện của Bác với quân và dân trên đảo hôm đó. Bác căn dặn Cô Tô nhiều điều và bà Trác khắc ghi mãi điều Bác dạy đồng bào phải chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng đảo, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Đã tròn 60 năm, bà Trác đã cùng với quân và dân trên đảo khắc phục mọi khó khăn, tích cực lao động sản xuất, từng bước phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc trên hòn đảo tiền tiêu này. Ðến nay, những người con của bà đều đã trưởng thành và đang làm việc trong các cơ quan nhà nước. Với bà Trác, không có niềm hạnh phúc nào lớn hơn thế và Bà luôn có một tâm nguyện thêm một lần vào Lăng viếng Bác

Chứng kiến được sự đổi thay mạnh mẽ của huyện đảo ngày hôm nay, anh Nguyễn Ngọc Dũng ở thị trấn Cô Tô phấn khởi cho biết, nhiều người lâu rồi mới trở lại Cô Tô cứ ngỡ như một giấc mơ; huyện đảo Cô Tô đã thật sự phát triển gấp nhiều lần so với trước đây, những bờ ruộng khoai trước đây giờ đã trở thành những con đường thảm nhựa, đổ bê-tông rộng rãi, rải nhựa trải dài, bãi cát hoang hóa ngày nào giờ được thay thế bằng các khách sạn, nhà hàng cao tầng, khang trang, hiện đại. Ðiện lưới quốc gia về đến đảo đã làm thay đổi căn bản đời sống, sinh hoạt và mở ra cơ hội phát triển cho những người dân trên đảo.

Hiện nay, Cô Tô đã xây dựng quy hoạch đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 phát triển trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, đặc sắc về văn hóa, sinh thái biển đảo của Quảng Ninh và vùng ven biển vịnh Bắc bộ. Liên kết với Vân Đồn trở thành vùng du lịch Cô Tô - Vân Đồn - một trong hai điểm đột phá về du lịch của Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030; kết nối chặt chẽ với Vân Đồn, Hạ Long, Móng Cái để tạo ra một chuỗi sản phẩm du lịch biển đảo cao cấp, độc đáo, khác biệt. Từng bước xây dựng Cô Tô trở thành một tổ hợp dịch vụ du lịch biển đảo phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, sinh thái, vui chơi giải trí trên biển, là nơi phát huy và bảo tồn được giá trị sinh thái hệ thống đảo một cách bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và quốc phòng an ninh nơi Đông Bắc tổ quốc.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Lê Hùng Sơn cho biết: Cô Tô xác định mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 là xây dựng Cô Tô trở thành một huyện đảo phát triển năng động, một trọng điểm phát triển trong chiến lược phát triển kinh tế biển đảo của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và chiến lược biển cả nước nói chung, trong đó trước mắt huyện tập trung triển khai đồng bộ quy hoạch gắn với quản lý đất đai, trật tự đô thị, môi trường; thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến du lịch, triển khai số hóa thông tin du lịch, xây dựng đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch thông minh; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp du lịch khảo sát xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc để thu hút du khách đến với Cô Tô.

Hướng đến là trung tâm du lịch đẳng cấp, hiện đại

Những năm gần đây, lượng du khách ra đảo tham quan, vui chơi, trải nghiệm tăng mạnh, một phần do đội tàu cao tốc chở khách ngày càng được đầu tư hiện đại, có công suất lớn, chịu được sóng gió, cùng với đó là hạ tầng giao thông, hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, homestay đạt tiêu chuẩn từ hai sao đến ba sao, các cơ sở dịch vụ du lịch đã và đang đáp ứng tốt nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách.

Anh Nguyễn Văn Tâm, người gốc ở đảo và có hơn 30 năm sống ở đây tình nguyện làm hướng dẫn viên đưa chúng tôi đi khám phá và trải nghiệm các khu, điểm du lịch trên đảo; Vừa điều khiển chiếc xe điện đưa chúng tôi đi khám phá, anh Tâm cho biết: vùng biển Cô Tô được coi là đa dạng sinh học hàng đầu của Việt Nam với sự có mặt nhiều hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô tập trung. Đây cũng là địa bàn phong phú về cơ cấu hải sản với nhiều loài quý hiếm, có giá trị cao, như: tôm hùm, bào ngư, hải sâm, cầu gai, cua, ghẹ, cá song, cá mú, mực, san hô; Thế mạnh của Cô Tô chính là du lịch sinh thái biển đảo và trải nghiệm, khám phá. Vẻ đẹp hoang sơ của những bãi biển sạch với làn nước trong xanh, bờ biển thoải cùng hệ sinh thái rừng nguyên sinh nhiệt đới được bảo tồn gần như nguyên vẹn... là nét quyến rũ đặc biệt của Cô Tô đối với du khách trong nước và quốc tế.

Đảo Cô Tô lớn sở hữu hàng loạt các bãi biển đẹp như Tàu Đắm, Hồng Vàn, Vàn Chảy, Bắc Vàn, Vòm Si, Vụng Ông Viên… Tại bãi Bắc Vàn, nơi du khách có thể chiêm ngưỡng loài sao biển, còn ở bãi đá Móng Rồng (hay còn gọi là bãi Cầu Mỵ), du khách sẽ được thỏa thích ngắm các con sóng và những vách núi kỳ thú lung linh trong ánh bình minh và huyền ảo lúc hoàng hôn. Có lẽ đẹp nhất là bãi biển Hồng Vàn nằm ở phía đông đảo Cô Tô lớn với nét hoang sơ, trong lành, bãi cát trắng thoai thoải, mềm mại, dài như vô tận. Nước biển ở đây trong xanh đầy quyến rũ. Vốn hầu như không có sóng, cho nên vào những hôm thời tiết đẹp, Hồng Vàn như một tấm gương khổng lồ soi bóng mây trời xanh thẳm, đẹp mê hồn. Nằm ngay cạnh bãi biển là khu rừng nguyên sinh với nhiều loài cây quý hiếm thu hút các du khách muốn khám phá, trải nghiệm.

Cùng với đảo Cô Tô lớn, còn có đảo Cô Tô con nằm cách nhau hơn nửa giờ đi tàu loại nhỏ. Đảo Cô Tô con rộng hơn 200 ha với một hệ thống rừng sinh thái phong phú, trong đó có nhiều loài cây gỗ và động vật quý hiếm. Muốn sang Cô Tô con, du khách phải di chuyển đến cảng Bắc Vàn để lên tàu ra đảo. Tàu ra đảo thường khởi hành vào buổi sáng và trở về ngay trong ngày.

Đảo Cô Tô con đẹp hoang sơ với bãi biển cát trắng trải dài uốn lượn cùng những dải san hô lung linh trong làn nước biển trong xanh. Nếu đến Cô Tô con vào một ngày nắng đẹp, du khách sẽ cảm nhận được nét đẹp huyền ảo, kỳ thú của cảnh quan nơi đây, một thiên đường nghỉ dưỡng tuyệt vời chưa được khai phá. Một cơ hội trải nghiệm tuyệt vời không thể bỏ qua khi lên đảo Cô Tô là leo lên ngọn hải đăng Cô Tô, nơi đây được du khách ví như “nóc nhà” của đảo ngọc. Trèo hết 72 bậc cầu thang, du khách lên tới đỉnh hải đăng, thỏa thích phóng tầm mắt chiêm ngưỡng toàn cảnh huyện đảo từ trên cao. Một mầu xanh ngút ngàn của biển trời, của rừng dường như không có phân định ranh giới, mang lại xúc cảm và trải nghiệm khó quên.

Anh Nguyễn Hải Linh, Phó trưởng Phòng Du lịch huyện Cô Tô. cho biết, Cô Tô ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của rất nhiều du khách trong nước và quốc tế. Sự khác biệt so với các đảo khác đó là Cô Tô không chỉ có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, mà còn có hệ sinh thái thực vật phong phú, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và nhiều nét văn hóa riêng của con người vùng biển.

Cô Tô được tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong những địa điểm có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế ban đêm. Được biết huyện cũng đang đang xây dựng phương án phát triển kinh tế ban đêm tạo sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương. Với những điểm nhấn là các mô hình chợ đêm mua sắm, ẩm thực tổng hợp, vận động các tiểu thương đang kinh doanh nâng cấp các gian hàng để đạt tiêu chuẩn hiện đại, tiện ích, phục vụ khách tham quan và mua sắm tại khu dịch vụ thương mại huyện Cô Tô.

Đồng thời, huyện cũng đang tính đến phương án tổ chức các hoạt động phố đi bộ để thu hút người dân và khách du lịch đến tham quan, thưởng thức, mua sắm các sản phẩm địa phương, sản phẩm OCOP, đồng thời tạo điểm “check in” sôi động, lãng mạn để du khách lưu giữ những hình ảnh đẹp, kỷ niệm đẹp về đêm tại các điểm du lịch như phố Ký Con, đường bao biển trước khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, huyện Cô Tô cũng đang xem xét quy hoạch khu vực cắm trại đêm, kết hợp tổ chức các sự kiện ẩm thực, âm nhạc, gala, team building cho du khách tại một số bãi biển và đẩy mạnh phát triển tour trải nghiệm cho du khách tại các hòn đảo gần bờ.

Thời gian tới, Cô Tô tập trung phát triển theo hướng mở cửa, hội nhập, có tầm nhìn dài hạn và bước đi thích hợp, bảo đảm phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Thu hút các nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát triển các ngành có lợi thế như thủy hải sản, du lịch, dịch vụ biển; từng bước gắn kết chặt chẽ giữa phát triển huyện Cô Tô với sự phát triển trong khu vực, nhất là thành phố Hạ Long, Khu kinh tế Vân Đồn, thành phố Móng Cái và vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ. 

Sáu mươi năm kể từ ngày Bác Hồ ra thăm quân và dân trên đảo, Cô Tô hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới, ngày càng trù phú, giàu đẹp. Ðây cũng chính là thành quả thấm đẫm mồ hôi của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo đã đoàn kết một lòng, khắc ghi và làm theo lời dặn của Bác xây dựng xây dựng hòn đảo tiền tiêu trở thành phên dậu vững chắc và thực sự tỏa sáng nơi Đông Bắc của Tổ quốc.