Lợi ích và rủi ro khi tương tác trực tuyến

Tương tác trực tuyến là một mảnh ghép sinh động trong bức tranh xây dựng xã hội số, công dân số nhiều màu sắc đang diễn ra phổ biến tại Việt Nam, đem lại nhiều tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, người dùng cũng cần có "bản lĩnh" khi tham gia môi trường trực tuyến này để tránh rủi ro.
0:00 / 0:00
0:00
Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức tương tác trực tuyến trên mạng xã hội Facebook để phổ biến pháp luật, ngày 14/3/2024. (Ảnh: THANH TÂM)
Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức tương tác trực tuyến trên mạng xã hội Facebook để phổ biến pháp luật, ngày 14/3/2024. (Ảnh: THANH TÂM)

Đến nay, giao dịch trực tuyến đã trở thành thói quen hằng ngày của nhiều người. Thay vì trực tiếp đến cửa hàng, mọi người chỉ việc ở nhà tìm kiếm trên Google, vào các trang Shopee, Lazada, Chợ tốt và nhiều trang bán hàng online khác để tìm mua các sản phẩm mình cần.

Ở một số khu dân cư, đã có dịch vụ đi chợ hộ qua mạng. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, người dùng có thể mua hàng trực tuyến bằng cách chuyển khoản qua ứng dụng ngân hàng; thanh toán qua ví điện tử; quét mã QR, sử dụng dịch vụ tiền di động do nhà mạng cung cấp. Tất nhiên, muốn trả tiền thì phải có tiền trong tài khoản, có ví điện tử gắn với tài khoản…

Nhờ tương tác trực tuyến mà ngành y tế đã làm nên nhiều điều kỳ diệu trong chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thông qua ứng dụng Telemedicine (khám bệnh từ xa), các thầy thuốc đã được hỗ trợ hội chẩn bệnh và phác đồ điều trị, cứu chữa được nhiều ca bệnh hiểm nghèo.

Tương tác trực tuyến còn hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công của chính quyền điện tử. Dịch vụ công trực tuyến giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, chi phí giấy tờ, có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ nơi đâu có kết nối internet cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân; tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của đội ngũ công chức các cơ quan hành chính nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Ngày nay, nhiều mô hình học trực tuyến (E-learning) đã có thể giúp học sinh mọi cấp học mở rộng kiến thức. Trong bối cảnh cả nước hướng đến cuộc cách mạng 4.0, việc áp dụng công nghệ hiện đại vào giáo dục ngày càng được chú trọng thì hình thức giáo dục E-learning ngày càng phát triển. Các nhà chuyên môn còn tính được rằng, việc học trên môi trường trực tuyến giúp rút ngắn khoảng 40 - 60% thời gian hoàn thành toàn bộ kiến thức, tiết kiệm từ 50 - 70% chi phí.

Nhờ tương tác trực tuyến mà ngành y tế đã làm nên nhiều điều kỳ diệu trong chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thông qua ứng dụng Telemedicine (khám bệnh từ xa), các thầy thuốc đã được hỗ trợ hội chẩn bệnh và phác đồ điều trị, cứu chữa được nhiều ca bệnh hiểm nghèo.

Ðại úy, Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Văn Quốc, Bệnh xá trưởng đảo Song Tử Tây, Trường Sa, Khánh Hòa chia sẻ, các y, bác sĩ trên đảo đã hội chẩn trực tuyến bằng hệ thống Telemedicine với các thầy thuốc, giáo sư đầu ngành trong đất liền, cứu chữa nhiều trường hợp tưởng phải bó tay.

Thiếu tá, Bác sĩ Nguyễn Văn Nam, Bệnh xá trưởng đảo Sinh Tồn, Trường Sa, Khánh Hòa cũng cho biết, "với những ca bệnh khó, chưa từng gặp, chúng tôi liên lạc về đất liền, hội chẩn bằng hệ thống khám, chữa bệnh từ xa".

Mỗi năm, đất nước có hàng chục nghìn sinh viên đại học, học viên các trường dạy nghề tốt nghiệp ra trường. Ðể tìm việc làm, họ cần thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp, tổ chức. Trước đây, người có nhu cầu việc làm chỉ có thể tìm thông tin tuyển dụng trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình hoặc từ người quen… Sau đó, họ phải mua bộ hồ sơ mẫu có bán tại các cửa hàng văn phòng phẩm, điền thông tin cá nhân vào, đi xin chứng thực, xác nhận của chính quyền và cơ quan chức năng rồi trực tiếp đến nơi tuyển dụng để nộp hoặc gửi hồ sơ qua bưu điện… Hình thức này mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí mà tính an toàn, bảo mật không cao.

Nhờ tương tác trực tuyến, người tìm việc chỉ cần vào các trang web tuyển dụng để tìm thông tin nhu cầu nhân sự và hoàn thành hồ sơ xin việc trên không gian mạng, ấn nút gửi đi và chờ kết quả gửi về qua email, Viber, Zalo.

Cũng như vậy, người có nhu cầu đi lại, chỉ cần đặt mua vé tàu, xe qua mạng là có thể nhận vé tại nhà với chi phí dịch vụ phát sinh rất hợp lý.

Tương tác trực tuyến có nhiều tiện lợi, tuy nhiên, người dùng cũng cần có "bản lĩnh" khi tham gia môi trường này để tránh rủi ro.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng khuyến cáo: Bên cạnh sự thuận tiện thì việc tương tác trực tuyến trên không gian mạng cũng đã và đang đặt ra thách thức cho cơ quan chức năng và người dùng trước vấn nạn thông tin lừa đảo. Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) lưu ý người dùng cần cảnh giác khi gặp các trường hợp, hành vi bất thường, không minh bạch trên mạng xã hội, không làm theo hướng dẫn của đối tượng lạ, nhất là những việc liên quan đến giao dịch chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân, đồng thời chỉ ra các hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến gần đây, gồm: Lừa đảo trực tuyến qua email; lừa đảo "đọc sách nhận lương"; lừa đảo chiếm đoạt tiền khi đăng ký khóa tu mùa hè; ứng dụng lừa đảo tiền điện tử; lừa đảo bằng chiêu "cần người giữ hộ tiền"; dụ dỗ cài phần mềm dịch vụ công giả mạo; lừa đảo trên sàn tiền ảo…