Phó Trưởng phòng Ðào tạo đại học, Trường đại học Luật Hà Nội Nguyễn Triều Dương cho biết: Theo quy chế hiện hành, các trường chủ động tuyển sinh theo phương thức riêng cho nên tỷ lệ ảo rất cao, thậm chí chiếm 50%-60%. Thí sinh trúng tuyển một lúc nhiều phương thức, phải xác nhận nhập học một phương thức nào đó sớm, dẫn đến các nguyện vọng theo phương thức xét tuyển khác dù yêu thích hơn nhưng nếu trúng tuyển sau cũng không thể rút hồ sơ để nhập học lại được.
Thừa nhận thực tế thí sinh ảo, Vụ trưởng Giáo dục Ðại học (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) Nguyễn Thu Thủy cho biết, phân tích số liệu trong vài năm gần đây cho thấy, có hiện tượng tỷ lệ thí sinh trúng tuyển sau lọc ảo nhưng nhập học ngày càng giảm. Một số cơ sở đào tạo xét tuyển bằng các phương thức không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) và yêu cầu xác nhận nhập học ngay, làm thí sinh mất cơ hội nhập học ở các trường có mức ưu tiên cao hơn hoặc phải nộp tiền để “giữ chỗ” gây bức xúc cho thí sinh và xã hội. Việc nhiều thí sinh “giữ chỗ” làm mất cơ hội của các thí sinh khác và các trường không xác định được tỷ lệ thí sinh nhập học dẫn đến tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Một số cơ sở đào tạo xét trúng tuyển nhưng không đưa lên hệ thống để loại các thí sinh này ra khỏi danh sách dự tuyển, làm ảnh hưởng đến kết quả lọc ảo chung của toàn hệ thống.
Năm 2022, việc đăng ký xét tuyển sẽ không cùng với đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT; khi có điểm thi tốt nghiệp, thí sinh chính thức đăng ký nguyện vọng xét tuyển một cách đồng bộ. Bộ Giáo dục và Ðào tạo xây dựng một hệ thống xử lý nguyện vọng và xác nhận nhập học trực tuyến, lọc ảo chung hướng tới bảo đảm sự công bằng với thí sinh, bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo và minh bạch với xã hội. Về mặt kỹ thuật, hầu như không phức tạp hơn các năm trước. Hệ thống xử lý nguyện vọng và lọc ảo chung không làm thay việc xét tuyển và quyền tự chủ xét tuyển của các trường. Bộ Giáo dục và Ðào tạo đang khẩn trương nâng cấp phần mềm để bảo đảm thuận lợi cho thí sinh trong việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển, hỗ trợ các cơ sở đào tạo và đáp ứng các quy định về tuyển sinh.
Giám đốc Trung tâm khảo thí, Ðại học Quốc gia Hà Nội, GS, TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết, Bộ Giáo dục và Ðào tạo thống kê có khoảng 20 phương thức xét tuyển nhưng thực chất chỉ có 5 phương thức gốc đó là: Tuyển thẳng theo quy chế; sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, tư duy; chứng chỉ tiếng Anh quốc tế; học bạ; kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Vì vậy, các trường có thể kết hợp các phương thức gốc trên với nhau để tạo nên nhiều "nhánh". Nhưng thí sinh chỉ cần quan tâm và chuẩn bị đáp ứng tốt nhất có thể với các phương thức gốc trên, trong đó sở trường của mình là gì thì đầu tư nhiều hơn để ưu tiên sử dụng khi đăng ký nguyện vọng đạt kết quả tốt nhất.
Ông Nguyễn Triều Dương phân tích, năm 2022, tất cả các phương thức xét tuyển đăng ký ở hệ thống của Bộ Giáo dục và Ðào tạo sẽ giúp các trường không phải làm quá nhiều bước như những năm trước. Việc đưa tất cả các phương thức xét tuyển đăng ký trên cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Ðào tạo giúp thí sinh có thể căn cứ vào điểm học bạ và căn cứ vào điểm thi THPT để chọn, sắp xếp thứ tự nguyện vọng cho phù hợp, khả năng trúng tuyển cao nhất. Việc lọc ảo chung giữa các trường và các phương thức xét tuyển về đầu mối Bộ Giáo dục và Ðào tạo sẽ giúp tỷ lệ ảo thấp, các trường phải cân nhắc trên hệ thống, tạo sự khách quan.
Trưởng phòng Ðối ngoại và Truyền thông, Trường đại học Thương mại, Nguyễn Viết Thái cho biết, việc cho tất cả thí sinh đăng ký cùng một đợt chính là giúp các em bình đẳng hơn trong lựa chọn ngành. Nếu thí sinh nắm được và thực hiện đúng thì cách làm này tốt hơn, thuận lợi hơn. Ðây là thời gian tốt nhất cho học tập và ôn thi. Thí sinh cần tập trung vào những môn mà mình lựa chọn sao cho phù hợp với yêu cầu của từng trường, phù hợp năng lực của chính mình.