Bổ sung quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của ngân hàng liên doanh
Ngày 31/10/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 13/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2011/TT-NHNN quy định về việc cấp Giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.
Trong đó, Thông tư 13/2023/TT-NHNN bổ sung điểm b (iii) vào điểm b khoản 3 Điều 31 về chuyển nhượng phần vốn góp, mua lại phần vốn góp của ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài.
Cụ thể, việc chuyển nhượng phần vốn góp cho tổ chức không phải là thành viên góp vốn của ngân hàng liên doanh cần đảm bảo tỷ lệ góp vốn theo quy định và đáp ứng các điều kiện sau:
Đối tác mới là doanh nghiệp không phải ngân hàng phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Được thành lập theo pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật nước ngoài;
- Trường hợp là doanh nghiệp Nhà nước, phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản cho phép tham gia góp vốn vào ngân hàng liên doanh theo quy định của pháp luật;
- Trường hợp là doanh nghiệp được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, phải tuân thủ việc góp vốn theo các quy định liên quan của pháp luật;
- Có vốn chủ sở hữu tối thiểu 1.000 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 2.000 tỷ đồng trong 3 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp đối với phần vốn góp từ trên 1% đến dưới 5% vốn điều lệ của ngân hàng liên doanh hoặc có vốn chủ sở hữu tối thiểu 200 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 400 tỷ đồng trong 3 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp đối với phần vốn góp từ 1% vốn điều lệ trở xuống của ngân hàng liên doanh;
- Đối với doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu vốn pháp định, phải bảo đảm vốn chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn góp cam kết theo số liệu từ báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập và không có ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán của năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp;
- Kinh doanh có lãi trong 3 năm liền kề năm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp;
- Không được dùng vốn huy động, vốn vay của tổ chức, cá nhân khác để góp vốn;
- Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và bảo hiểm xã hội theo quy định đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp;
- Không phải là cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, thành viên sáng lập, cổ đông chiến lược của tổ chức tín dụng khác được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 14/12/2023.
Quy định mới về mức thu phí khai thác, sử dụng dữ liệu về môi trường
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 65/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng dữ liệu về môi trường.
Theo Thông tư, mức thu phí khai thác và sử dụng dữ liệu về môi trường được quy định như sau:
Phí khai thác, sử dụng hồ sơ, tài liệu quản lý chất lượng môi trường; quản lý chất thải và cải thiện môi trường; bảo tồn đa dạng sinh học; truyền thông môi trường; quản lý môi trường lưu vực sông, ven biển và biển: 800.000 đồng/báo cáo.
Phí khai thác, sử dụng bản đồ mạng lưới quan trắc (nước mặt, không khí, đất): Đối với bản đồ mạng lưới quan trắc tỷ lệ 1/250.000, mức phí là 4.000.000 đồng/mảnh; đối với bản đồ mạng lưới quan trắc tỷ lệ 1/25.000, mức phí là 870.000 đồng/mảnh.
Phí khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu chuyên đề môi trường tỷ lệ 1/250.000; 1/500.000; 1/100.000 là 9.145.000/mảnh…
Người nộp phí thực hiện nộp phí khi nhận thông báo nghĩa vụ tài chính từ cơ quan có thẩm quyền cung cấp dữ liệu về môi trường; phí nộp cho tổ chức thu phí theo hình thức quy định tại Thông tư số 74/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính.
Tổ chức thu phí theo quy định tại Thông tư này là cơ quan có thẩm quyền cung cấp dữ liệu về môi trường theo quy định tại Nghị định 73/2017/NĐ-CP của Chính phủ về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường.
Tổ chức thu phí được trích lại 70% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định tại Điều 5 Nghị định 120/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí, nộp 30% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.
Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước không thuộc diện được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 120/2016/NĐ-CP, nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2023.
Quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện áp dụng cho nhà máy điện mặt trời, điện gió
Dự án điện gió và điện mặt trời tại xã Lợi Hải và Bắc Phong (Thuận Bắc) tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN. |
Bộ Công thương mới đây đã ban hành Thông tư số 19/2023/TT-BCT ngày 1/11/2023 quy định khung giá phát điện áp dụng cho nhà máy điện mặt trời, điện gió.
Thông tư được áp dụng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các tổ chức, cá nhân tham gia triển khai đầu tư các nhà máy điện mặt trời; điện gió; các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Không áp dụng đối với nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 Thông tư số 15/2022/TT-BCT ngày 3 tháng 10 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp và các nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió có hợp đồng mua bán điện ký với Tập đoàn Điện lực Việt Nam với giá điện còn hiệu lực.
Thông tư quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện hằng năm cho nhà máy điện mặt trời mặt đất, nhà máy điện mặt trời nổi, nhà máy điện gió trong đất liền, nhà máy điện gió trên biển, nhà máy điện gió ngoài khơi; Trình tự xây dựng và ban hành khung giá phát điện hằng năm.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 19/12/2023.
Bãi bỏ 4 thông tư về quản lý tài chính trong lĩnh vực ngoại giao
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2023/TT-BTC ngày 8/11/2023 bãi bỏ 4 thông tư liên quan đến việc quản lý tài chính trong lĩnh vực ngoại giao.
Theo Thông tư số 68/2023/TT-BTC, bãi bỏ toàn bộ 4 thông tư:
1. Thông tư số 42/2011/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính Quỹ hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế.
2. Thông tư số 73/2011/TT-BTC ngày 30 tháng 5 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính Quỹ hỗ trợ, vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
3. Thông tư số 31/2015/TT-BTC ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí do ngân sách nhà nước hỗ trợ cho tổ chức được Bộ Ngoại giao giao hoặc ủy quyền thực hiện nhiệm vụ tuyển chọn, giới thiệu và quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
4. Thông tư số 37/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà, đất phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước theo hình thức hỗ tương và theo hình thức giao sử dụng nhà, đất không phải trả tiền.
Thông tư số 68 có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2023.