Kính thiên văn Vũ trụ James Webb là một trong những dự án nghiên cứu thiên văn đồ sộ nhất từ trước đến nay, được lãnh đạo bởi NASA, Cơ quan Vũ trụ Canada và Cơ quan Vũ trụ châu Âu. Sau 25 năm thiết kế, xây dựng và nhiều lần trì hoãn, kính Webb được phóng lên vũ trụ vào ngày 25/12 năm ngoái, dưới sự điều khiển của Viện Khoa học Kính thiên văn Vũ trụ (STScI). Trong vòng 6 tháng sau đó, đội ngũ ở STScI phải cho chạy thử nghiệm từ xa từng bộ phận của kính, rồi mới bắt đầu chụp và xử lý các bức ảnh ở vùng sóng hồng ngoại và cận hồng ngoại.
Rạng sáng 12/7 giờ Việt Nam, để chuẩn bị cho việc ra mắt những bức ảnh được cả thế giới ngóng chờ, NASA đã họp với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden để công bố sớm một bức ảnh. Ảnh này chụp SMACS 0723, một cụm thiên hà cách Trái Đất 4,6 tỷ năm ánh sáng, có khối lượng lớn đến mức bẻ cong cả ánh sáng của vật thể ở phía sau, chứng minh một hệ quả của thuyết tương đối rộng mà nhà vật lý Albert Einstein đã dự đoán hơn 100 năm trước. Đến 9 giờ 30 tối cùng ngày theo giờ Việt Nam, NASA đã công bố các bức ảnh còn lại, gồm có: quang phổ của khí quyển đầy nước của hành tinh ngoài hệ Mặt trời WASP-96b; phế tích của một ngôi sao cách Trái đất 2.000 năm ánh sáng; một bộ tứ thiên hà bị lực thủy triều “trói” lại với nhau; và cuối cùng là Tinh vân Thuyền Để (Carina Nebula) nơi hàng nghìn ngôi sao chào đời cùng một lúc.
Tinh vân Chiếc nhẫn phương nam (Southern Ring Nebula) do kính Webb chụp. (Ảnh: NASA, ESA, CSA, STScI) |
Với chiếc gương chính được xếp từ 18 mảnh gương hình lục giác có dát vàng, kính Webb có khả năng quan sát một cách tường tận những vật thể tối và xa hơn bất kỳ kính thiên văn vũ trụ nào trước đây. Các nhà khoa học tin rằng, chiếc kính sẽ thấu tỏ được hình hài của các thiên hà, các ngôi sao sinh ra trong khoảng từ 100 đến 250 triệu năm đầu sau Vụ nổ Lớn (Big Bang), khi vũ trụ mới đạt được 1% độ tuổi ngày nay.
Tại buổi công bố ảnh tại trụ sở Viện Khoa học Kính thiên văn Vũ trụ (STScI) tại Baltimore, Mỹ, Giám đốc Kenneth Sembach đã nói:
Ngày hôm nay, phần vũ trụ xưa nay bị ẩn giấu sẽ hiện ra, và kiến thức của chúng ta về vũ trụ sẽ thay đổi mãi mãi.
Kính thiên văn Vũ trụ James Webb là niềm tự hào của cả thế giới, không chỉ mình Hoa Kỳ - nơi các bức ảnh được công bố, mà cả các đối tác ở Canada và châu Âu.
Sau khi NASA công bố những bức ảnh được kính Webb gửi về, Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã đưa ra một thông cáo báo chí riêng, trong đó Giám đốc Josef Aschbacher nhấn mạnh vào tinh thần hợp tác của ngành thiên văn học toàn cầu như sau:
Những bức ảnh và quang phổ đầu tiên này từ Webb là một lời ca ngợi lớn lao dành cho chính đội ngũ hợp tác quốc tế đã khiến sứ mệnh đầy tham vọng này trở nên khả thi.
Phát biểu vào sáng 12/7 giờ Việt Nam, Trưởng quản lý NASA Bill Nelson cũng thừa nhận:
Nhiệm vụ này khả thi là nhờ tài khéo léo của con người, bao gồm cả đội ngũ NASA Webb phi thường và các đối tác quốc tế của chúng tôi ở Cơ quan Vũ trụ châu Âu và Cơ quan Vũ trụ Canada. Webb chỉ là điểm khởi đầu cho những thành tựu có thể đạt được trong thời gian tới, khi mà chúng ta làm việc với nhau vì lợi ích của nhân loại.