Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc Martha Ama Akyaa Pobee (M.Pô-bi) nhận định, dù trước đó Sudan và Nam Sudan đạt một số điểm tích cực về vấn đề Abyei, khu vực biên giới tranh chấp giữa hai bên, việc bùng phát bạo lực ở Sudan có thể tác động sâu sắc tới cơ hội đạt tiến bộ chính trị về Abyei. Phái bộ An ninh lâm thời Liên hợp quốc tại Abyei (UNISFA) đang theo dõi sát dòng người di cư, sự xâm nhập của các nhóm vũ trang hoặc sự kích động của những kẻ phá hoại vào khu vực.
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), xung đột tại Sudan khiến số người di tản trong nước này tăng gấp đôi trong tuần qua, lên hơn 700.000 người. IOM cho biết, kể từ trước khi giao tranh nổ ra, Sudan ghi nhận khoảng 3,7 triệu người phải di tản trong nước đến trú ẩn tại nhà của người thân, các trường học, thánh đường Hồi giáo hoặc tòa nhà công cộng.
Liên hợp quốc báo cáo về việc những kẻ cướp bóc đã đột kích vào các văn phòng của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ở thủ đô Khartoum của Sudan cuối tuần qua, sau khi đã cướp phá 17.000 tấn lương thực từ các kho của WFP. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) lên án mạnh mẽ mọi hành vi cướp bóc, nhắc lại lời kêu gọi bảo vệ và tôn trọng những người làm công tác nhân đạo, các cơ sở nhân đạo.
Trong khi đó, các nỗ lực đàm phán tại Saudi Arabia nhằm hòa giải giữa hai bên tham chiến ở Sudan chưa đạt tiến triển. Quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) tuyên bố sẽ chỉ bàn về thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo mà không hướng đến việc chấm dứt xung đột.
Trong chuyến thăm Nam Sudan, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry (X.Su-cri) kêu gọi giới chức nước chủ nhà phối hợp đối phó tác động nhân đạo từ cuộc khủng hoảng tại Sudan. Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập nhấn mạnh, cuộc xung đột tại Sudan đòi hỏi các nước láng giềng phải liên tục tham khảo lập trường, để hướng tới việc chấm dứt cuộc chiến và giảm thiểu những tác động.