Linh hoạt các chính sách góp phần kiểm soát lạm phát

NDO - Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc áp dụng linh hoạt các chính sách tùy theo từng thời điểm, mục tiêu cũng như thực tiễn của đất nước là một trong những nguyên tắc hàng đầu trong chống lạm phát. Phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong chung quanh nội dung này.
0:00 / 0:00
0:00
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế. (Ảnh: TRUNG HƯNG)
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Xuất hiện đồng thời 4 loại lạm phát

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về tình hình lạm phát của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023?

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: So với mục tiêu kiềm chế lạm phát Quốc hội đặt ra là dưới 4%, thì với mức chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,29% trong 6 tháng đầu năm, nước ta là một trong số các quốc gia có mức tăng CPI cao. Thậm chí lạm phát cơ bản tăng 4,74%, cho thấy áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm là khá lớn.

Do đó, nhiệm vụ đặt ra để trung hòa mức độ lạm phát này cho đến cuối năm là rất gay gắt, cũng giống như nhiệm vụ đặt ra là phải tăng trưởng GDP 6,5%, trong khi GDP 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,72%.

Mức độ lạm phát cao này là hệ lụy và cộng hưởng cũng như tích lũy của nhiều nguyên nhân. Trước hết, một trong những nguyên nhân chính đó là kết quả lâu dài từ quá trình kích thích kinh tế trong mấy năm chống dịch Covid-19 vừa qua, đặc biệt là đưa ra những gói chính sách về tài chính, tiền tệ theo hướng nới lỏng, hỗ trợ và ngay cả gần đây chúng ta cũng đang quay trở lại hướng này.

Linh hoạt các chính sách góp phần kiểm soát lạm phát ảnh 1

Nguồn: Tổng cục Thống kê - Đồ họa: PHƯƠNG NAM

Nguyên nhân thứ hai gắn liền với chi phí đẩy, bao gồm chi phí ngoại nhập từ những mặt hàng như sắt, thép, xăng, dầu…, cùng những yếu tố khác ảnh hưởng từ nước ngoài, cộng với những chi phí đẩy ở trong nước bao gồm tăng giá và các chi phí khác, tạo nên chi phí tổng hợp khiến giá cả tăng lên.

Nguyên nhân thứ ba là do sự đứt gãy chuỗi cung ứng, dẫn đến khan hiếm nhiều mặt hàng hoặc sự thiếu hụt tạm thời ở các lĩnh vực khác trong nhiều thời điểm.

Đặc biệt, mức lạm phát cao còn được thúc đẩy bởi nhu cầu bùng nổ gắn liền với du lịch và các hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19, từ đó kéo theo lạm phát theo hướng cầu kéo.

Cuối cùng, lạm phát trong nước gắn liền với lạm phát của thế giới, theo xu hướng lan tỏa. Trong bối cảnh nền kinh tế mở như Việt Nam thì thế giới tăng trưởng cũng như lạm phát như thế nào sẽ có ảnh hưởng đến Việt Nam.

Trên thế giới, trong nửa đầu năm 2023, lạm phát vẫn còn ở mức độ khá cao, do đó Việt Nam cũng phải chịu những sức ép liên quan tới đầu vào, tỷ giá và do đó dẫn tới lạm phát ngoại nhập.

Tóm lại, nửa đầu năm 2023, ở Việt Nam xuất hiện đồng thời 4 loại lạm phát ứng với 4 nhóm nguyên nhân, đó là lạm phát tiền tệ, lạm phát chi phí đẩy, lạm phát cầu kéo và lạm phát ngoại nhập.

Nửa đầu năm 2023, ở Việt Nam xuất hiện đồng thời 4 loại lạm phát ứng với 4 nhóm nguyên nhân, đó là lạm phát tiền tệ, lạm phát chi phí đẩy, lạm phát cầu kéo và lạm phát ngoại nhập.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

Phóng viên: Vậy trong 6 tháng cuối năm, những yếu tố nào sẽ tác động đến lạm phát ở nước ta?

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Tôi cho rằng trong 6 tháng cuối năm, có 2 yếu tố quan trọng được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài. Một là lạm phát tiền tệ, bởi chúng ta đang gần như là quay trở lại theo chỉ đạo chung của Chính phủ là hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi tăng trưởng.

Vì thế, việc nới lỏng tín dụng, tăng room, giảm điều kiện và giảm lãi suất cho vay đang có xu hướng tăng lên, khiến lạm phát tiền tệ tiếp tục duy trì áp lực. Như vậy từ nay đến cuối năm, lạm phát tiền tệ có khả năng tăng cao.

Thứ hai, lạm phát chi phí đẩy cũng có thể gia tăng hơn nữa. Ngoài những yếu tố liên quan tới lạm phát chi phí đẩy từ bên ngoài, do nhập khẩu thì ở trong nước cũng có sự gia tăng, gắn liền với việc gia tăng những chi phí mặt bằng kinh doanh của doanh nghiệp khi thuê mặt bằng theo hướng giá mới và gắn liền với đợt tăng lương vừa qua.

Còn lạm phát liên quan đến cầu kéo và lạm phát ngoại nhập thì ít nhiều có sự suy giảm, do thế giới đang có sự giảm dần mức độ lạm phát chung, cộng với độ cầu kéo cũng giảm dần do chúng ta đang có sự mở cửa rất tốt và cân bằng các nhu cầu về hàng hóa.

Tóm lại, từ nay đến cuối năm, áp lực lạm phát tiền tệ và lạm phát chi phí đẩy sẽ tiếp tục còn hiện diện, trong khi lạm phát cầu kéo và lạm phát ngoại nhập sẽ giảm dần.

Linh hoạt các chính sách góp phần kiểm soát lạm phát ảnh 2

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, từ nay đến cuối năm, áp lực lạm phát tiền tệ và lạm phát chi phí đẩy sẽ tiếp tục hiện diện, trong khi lạm phát cầu kéo và lạm phát ngoại nhập sẽ giảm dần. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Chú ý mặt trái của chính sách trong chống lạm phát

Phóng viên: Từ những kinh nghiệm trong việc kiểm soát lạm phát, theo ông Việt Nam cần phải làm gì để kiểm soát tốt lạm phát như mục tiêu mà Quốc hội đã đặt ra?

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Để chống lạm phát, trên thế giới có những bài học chung, đồng thời cũng có những nguyên tắc. Theo đó, bài học chung nhất cho chống lạm phát tiền tệ đó là tăng lãi suất và thực hiện những hoạt động kêu gọi tiết kiệm, thắt chặt chính sách tiền tệ, tài chính.

Còn để chống lạm phát chi phí đẩy thì cần thực hiện các biện pháp ki kiềm chế những tác nhân làm tăng chi phí đẩy, cũng như những hỗ trợ của Nhà nước để giúp giảm bớt các chi phí đẩy này cho doanh nghiệp và người dân, kể cả hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp.

Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các nguồn cung và sử dụng các sản phẩm thay thế để giảm bớt áp lực về một nhóm hàng hóa nào đó cũng như là sự phụ thuộc vào một thị trường.

Với tinh thần đó, Việt Nam nên tập trung đồng bộ và chú ý mặt trái của các chính sách, đồng thời áp dụng linh hoạt các chính sách tùy theo từng thời điểm, mục tiêu cũng như thực tiễn của đất nước và các yêu cầu về chống lạm phát.

Việt Nam nên tập trung đồng bộ và chú ý mặt trái của các chính sách, đồng thời áp dụng linh hoạt các chính sách tùy theo từng thời điểm, mục tiêu cũng như thực tiễn của đất nước và các yêu cầu về chống lạm phát.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

Ngoài ra, cần xây dựng các kịch bản chủ động và bảo đảm sự điều phối, tránh “giật cục” trong thực hiện chính sách. Hơn nữa, cần phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để tạo điều kiện cho khu vực tư nhân giảm thiểu các chi phí đầu vào, đồng thời tạo thuận lợi nhất trong vấn đề tăng trưởng và cung ứng cho xã hội.

Cuối cùng, cũng cần phải tăng cường thông tin, tuyên truyền và kiểm soát các hoạt động đầu cơ hoặc “té nước theo mưa”, hay tạo ra cái gọi là lạm phát kỳ vọng. Tất cả những biện pháp đó sẽ giúp chúng ta đạt được những mục tiêu đã đặt ra.

Giảm lãi suất cho vay để tăng động lực tăng trưởng kinh tế

Phóng viên: Các báo cáo đã chỉ ra rằng lãi suất thực hiện nay đang ở mức rất cao, lên tới 8,9%. Vậy điều này có ảnh hưởng gì đến việc đầu tư đẩy mạnh mở rộng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp? Theo ông, cần có các giải pháp nào để có thể giảm mức lãi suất này?

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Một trong những giải pháp “nóng” từ nay đến cuối năm đó chính là vấn đề giảm nhanh lãi suất cho vay thực đối với doanh nghiệp. Một điều rất tốt là Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành theo hướng giảm và giúp các ngân hàng thương mại giảm bớt chi phí đầu vào, từ đó các ngân hàng có điều kiện giảm lãi suất huy động.

Linh hoạt các chính sách góp phần kiểm soát lạm phát ảnh 3

Theo các chuyên gia, vẫn còn khoảng cách rất xa giữa lãi suất cho vay với lãi suất huy động và lãi suất điều hành. (Ảnh minh họa: HỒNG ANH)

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là giảm lãi suất cho vay thì đang còn rất chậm và khoảng cách giảm lãi suất cho vay đã rất xa so với lãi suất huy động và lãi suất điều hành. Điều này dẫn tới cái gọi là “lợi ích cơ hội” cho các ngân hàng thương mại, song vẫn chưa cải thiện được nhiều cho doanh nghiệp.

Với tinh thần đó, trong thời gian tới, Chính phủ cần phải tạo sức ép mạnh hơn cả về mặt hành chính, tài chính và các biện pháp thị trường để các ngân hàng thương mại điều tiết giảm lãi suất cho vay, đặc biệt cho vay các khoản mới cũng như cơ cấu lại nợ để giúp các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trong tiếp cận tín dụng.

Hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng nếu lãi suất trên 10% thì có lẽ các doanh nghiệp sẽ không còn nhu cầu vay và cũng không có động lực để đầu tư kinh doanh. Đây rõ ràng là một cảnh báo “đỏ” cho nền kinh tế.

Hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng nếu lãi suất trên 10% thì có lẽ các doanh nghiệp sẽ không còn nhu cầu vay và cũng không có động lực để đầu tư kinh doanh. Đây rõ ràng là một cảnh báo “đỏ” cho nền kinh tế.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong

Phóng viên: Chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay đạt 6,5%. Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng của 6 tháng đầu năm ở mức thấp, để đạt được mục tiêu này, 6 tháng cuối năm phải đạt mức tăng trưởng cao thì mới có thể bù đắp được. Theo ông, để tiệm cận mức tăng trưởng 6,5%, cần phải tập trung vào những vấn đề gì trong 6 tháng cuối năm?

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Tăng trưởng của Việt Nam trong nửa đầu năm thấp, và một trong những lý do quan trọng nhất chính là lãi suất cao, khiến các doanh nghiệp không có động lực đi vay và có lợi nhuận để đầu tư.

Thứ hai, quan trọng hơn là các doanh nghiệp thiếu hợp đồng tiêu thụ, đặc biệt là các doanh nghiệp khu vực dệt may, da giày, gỗ… hoạt động gia công hầu hết bị giảm, có thị trường hợp đồng giảm từ 50% cho tới 70%.

Do đó, để tăng động lực tăng trưởng kinh tế từ nay cho đến cuối năm, cần tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng nhất, đó là giảm nhanh lãi suất cho vay và đa dạng hóa thật nhanh các thị trường tiêu thụ và tìm kiếm các thị trường mới, bên cạnh việc khơi thông những điểm nghẽn của các thị trường cũ.

Ngoài ra, cần phải tìm kiếm thêm nhịp tăng trưởng mới từ các mô hình và từ những động lực kinh doanh mới, trong đó có vấn đề khai thác cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), cũng như từ hoạt động mở cửa và đặc biệt là đón nhận xu hướng tái định vị lại chuỗi cung ứng của thế giới ở khu vực, trong đó Việt Nam là một trong những điểm đến.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!