Tuy nhiên, bất cập trên thực tế là dữ liệu từ “hộp đen” thu được chỉ để “lưu kho” nhằm hậu kiểm mà không được dùng làm công cụ để kiểm tra, xử lý ngay lập tức phương tiện vi phạm. Minh chứng cho bất cập này, Phòng Quản lý vận tải đường bộ thuộc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: Có rất nhiều đơn vị vận tải đóng trên địa bàn thành phố có số lần vi phạm mà hầu hết là vi phạm tốc độ với số lượng bình quân 10.000 lần mỗi tháng trên mỗi nhà xe, được dữ liệu GPS tổng hợp từ Cục Đường bộ Việt Nam ghi nhận.
Đơn cử như nhà xe của Công ty Thành Bưởi vượt tốc độ khoảng 9.000 đến hơn 10.000 lần/tháng trong thời gian gần đây cũng qua dữ liệu GPS ghi nhận. Vừa qua, Công ty Thành Bưởi đã bị Thanh tra Sở Giao thông vận tải thành phố xử phạt 91 triệu đồng đồng thời áp dụng mức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh vận tải ba tháng với hàng loạt vi phạm, khiến dư luận cũng như hành khách bức xúc.
“Số lần vi phạm quá rõ, thế nhưng việc chế tài và ban hành quyết định xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp vận tải quản lý phương tiện được dữ liệu GPS ghi nhận hoàn toàn phụ thuộc vào “khả năng” phân tích và cung cấp dữ liệu này từ Cục Đường bộ Việt Nam”, một cán bộ Thanh tra giao thông chia sẻ.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang quản lý 5.400 doanh nghiệp vận tải với 260.000 xe được cấp phù hiệu, chiếm 1/4 quy mô cả nước. Như vậy, hàng ngày hàng trăm nghìn phương tiện lưu thông dọc hành trình đất nước với hàng triệu hành khách ngồi đằng sau vô lăng của tài xế, thế nhưng hệ thống “hộp đen” lại phải chờ máy chủ từ Cục Đường bộ thu thập, phân tích, sàng lọc…
Đại diện Hiệp hội Vận tải ô-tô hành khách Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay cả nước có một triệu phương tiện, hiện mỗi năm các doanh nghiệp đang chi 1.000 tỷ đồng để truyền dữ liệu, chưa kể các chi phí lắp thiết bị, bảo trì duy tu. Thiết bị GPS tiêu tốn cả ngàn tỷ đồng không phải để “ngắm”. Trước những bất cập hạn chế này, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô hành khách thành phố đề nghị, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải nên mạnh dạn đề nghị Cục Đường bộ phân cấp dữ liệu GPS về sở, không nên ôm đồm mãi. Thời gian truyền dữ liệu ít nhất mỗi tháng một lần tiến tới mỗi tuần một lần, không thể có độ trễ là một đến hai tháng, thậm chí ba tháng như thực tế hiện nay.
Đồng thời, trên cơ sở dữ liệu GPS, cần phân tích cụ thể số vụ tai nạn trên số km vận doanh của từng doanh nghiệp, cùng với đó là số tiền xử phạt, lỗi vi phạm, cảnh giác các vi phạm, phải công bố công khai mỗi tháng một lần.
Nhìn nhận thực tế đã có sự “nhờn” luật của tài xế và chủ phương tiện vì “hộp đen” nằm hoàn toàn vào tay của Cục, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng Cục Đường bộ Việt Nam không chỉ truyền dữ liệu về cho Sở Giao thông vận tải các địa phương mà cần chia sẻ cho lực lượng Cảnh sát giao thông vì đây là lực lượng kiểm tra, xử lý về an toàn giao thông trên suốt hành trình.
Lâu dài, Cảnh sát giao thông cũng sẽ được khai thác, sử dụng dữ liệu giám sát hành trình xe vận tải để phục vụ công tác kiểm tra, so sánh đối chiếu dữ liệu nhằm xác định vi phạm của phương tiện, từ đó phối hợp với địa phương, lực lượng thanh tra xử lý vi phạm, nhất là những trường hợp có dấu hiệu chây ỳ, không hợp tác, góp phần củng cố căn cứ, cơ sở để xử phạt...
Một lãnh đạo Sở Giao thông vận tải thành phố bày tỏ quan điểm, hiện các Sở Giao thông vận tải đang phải theo dõi, trích xuất dữ liệu trên phần mềm của đơn vị vận tải, nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Các Sở Giao thông vận tải địa phương hiện chỉ được cấp một tài khoản dùng chung để truy cập, kiểm tra và cập nhật thông tin trên hệ thống mà không có tài khoản để truy cập, xử lý. Vì vậy Cục Đường bộ cần chủ động khắc phục, tìm giải pháp xử lý nhất là nâng cấp hệ thống máy chủ đã cũ, giải tỏa ùn ứ dữ liệu, từ đó sàng lọc để kết nối, chia sẻ dữ liệu GPS đến các cơ quan có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý kịp thời các xe vi phạm giúp kiềm chế tai nạn giao thông, mang lại niềm tin cho hành khách.