Liên minh châu Âu (EU) và Na Uy, ngày 23/6, đã nhất trí thúc đẩy hợp tác để khí đốt của Na Uy - nước sản xuất khí đốt lớn nhất châu Âu, được vận chuyển tới 27 nước thành viên EU trong bối cảnh gần một nửa các quốc gia trong khối đang phải vật lộn với việc cắt giảm khí đốt của Nga.
Một tuyên bố đưa ra sau cuộc gặp của người phụ trách chính sách khí hậu của EU Frans Timmermans và Bộ trưởng Năng lượng Na Uy Terje Aasland tại Brussels (Bỉ) cho biết, Na Uy và Ủy ban châu Âu (EC) sẽ thúc đẩy hợp tác để bảo đảm bổ sung các nguồn cung khí đốt ngắn hạn và dài hạn từ Na Uy.
Theo một thỏa thuận đã ký giữa 2 bên, lượng khí đốt của Na Uy bán tại thị trường châu Âu trong năm 2022 có thể tăng vọt.
EU nhập khẩu khoảng 1/5 lượng khí đốt từ Na Uy, trong khi nhập khẩu từ Nga là 40% trước ngày 24/2 - thời điểm Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
EU cho biết có 12 nước thành viên sẽ bị cắt giảm khí đốt sau khi Nga giảm lượng khí đốt vận chuyển qua Đường ống phương Bắc 1 tuần trước với lý do kỹ thuật.
Hiện các nước châu Âu đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung khí đốt thay thế để bù đắp lỗ hổng khí đốt để tránh 1 cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa Đông năm nay khi nhu cầu khí đốt để sưởi ấm sẽ tăng vọt.
Moskva trước đó đã ngừng vận chuyển khí đốt cho Ba Lan, Hà Lan và nhiều nước khác vì các nước này từ chối thanh toán các hợp đồng mua bán khí đốt bằng đồng ruble của Nga - quy định mà Moskva đưa ra nhằm tháo gỡ phần nào những khó khăn từ các biện pháp trừng phạt của nước ngoài.