Liên minh cầm quyền Đức nhất trí về chính sách tị nạn

NDO -

NDĐT - Đêm 5-7, liên đảng bảo thủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel và đảng Dân chủ Xã hội Đức (SDP) đã đạt được thỏa thuận về chính sách tị nạn tăng cường.

Thủ tướng Merkel, Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz và Bộ trưởng Nội vụ Seehofer trong cuộc thảo luận tại Berlin, ngày 4-7. (Ảnh: Reuters)
Thủ tướng Merkel, Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz và Bộ trưởng Nội vụ Seehofer trong cuộc thảo luận tại Berlin, ngày 4-7. (Ảnh: Reuters)

Sau cuộc họp với lãnh đạo liên đảng bảo thủ, Chủ tịch SPD Andrea Nahles cho biết, thỏa thuận về chính sách tị nạn không đề cập việc Đức thiết lập các trung tâm trung chuyển hoặc có bất cứ hành động đơn phương nào và luật di trú sẽ được đưa ra vào cuối năm nay. SPD trước đó cảnh báo những trung tâm như vậy có thể bị coi là trại giam. Bà Nahles và các nhân vật có tiếng nói khác trong SPD từng tuyên bố đảng này không chấp nhận sự xuất hiện của bất cứ trại khép kín nào.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer cũng khẳng định sẽ không xây dựng trung tâm trung chuyển, đồng thời nhấn mạnh sẽ tiến hành “thủ tục quá cảnh tại các cơ sở cảnh sách hiện nay” - những địa điểm “không có hàng rào hoặc vật tương tự”.

“Những người tị nạn chịu ảnh hưởng sẽ không bị giam giữ, họ có thể rời Đức bất cứ lúc nào”, ông Seehofer nói.

Thỏa thuận giữa Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và SPD đã chấm dứt nhiều tuần tranh cãi về chính sách tị nạn khiến liên minh cầm quyền tại Đức đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Trong nỗ lực giành lại cử tri cuộc bầu cử tại bang Bavaria vào tháng 10, ông Seehofer muốn đưa ra chính sách tị nạn cứng rắn hơn bằng cách từ chối tiếp nhận những người xin tị nạn tại biên giới Đức đã đăng ký ở các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) khác. Song, bà Merkel đã phản đối hành động này. Bất đồng lên đến đỉnh điểm vào ngày 1-7, khi Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), Bộ trưởng Nội vụ Đức Seehofer xin từ chức.

Từ khi hơn một triệu người di cư ồ ạt đến Đức vào năm 2015, con số này mỗi năm sau đó đã giảm mạnh. Theo số liệu của Bộ Nội vụ Đức, năm 2017, hơn 15,4 nghìn người đã xin tị nạn tại biên giới Đức, trong đó khoảng 1,740 đơn xin tị nạn được nộp tại biên giới Đức và Áo.