Hiện nay, tỉnh vùng cao Hà Giang có hơn 480 hợp tác xã nông nghiệp với tổng số vốn điều lệ hơn 300 tỷ đồng, chủ yếu là các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ tổng hợp, dược liệu. Ông Hoàng Hồng Trường, Chi Cục trưởng Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang cho biết: “Các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay đã thay đổi nhận thức và sản xuất. Ngày càng nhiều hợp tác xã xây dựng mối liên kết trong sản xuất với người dân nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định. Mối liên kết theo chuỗi giá trị đã góp phần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn người dân khu vực nông thôn”.
Trước kia, anh Lầu Nhè Chán, xã Sính Lủng, huyện Ðồng Văn chỉ nuôi vài tổ ong để lấy mật phục vụ nhu cầu của gia đình. Từ năm 2017 đến nay, anh Chán liên kết nuôi, cung cấp nguồn mật ong bạc hà cho Hợp tác xã Pó Mỷ. Nhờ có sự hướng dẫn về kỹ thuật nuôi ong, nhân đàn lại có đầu ra ổn định cho nên tổng đàn ong tăng nhanh, hiện đàn ong của gia đình anh Chán đã tăng lên 60 tổ.
Anh Lầu Nhè Chán cho biết: “Khi tham gia liên kết với hợp tác xã, cái được lớn nhất là được tư vấn kỹ thuật, đầu ra ổn cho nên mình chuyên tâm chăm sóc, nhân đàn ong. Thu nhập từ nuôi ong rất cao và ổn định hơn nhiều so với trồng ngô, nuôi lợn, nuôi gà. Năm 2023, thu nhập từ nuôi ong của gia đình cũng đạt gần 100 triệu đồng. Trong những năm tới, tôi tiếp tục nhân đàn, phấn đấu nuôi khoảng 100 tổ ong”.
Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Pó Mỷ, thị trấn Ðồng Văn, huyện Ðồng Văn là một thí dụ điển hình trong liên kết sản xuất, tiêu thụ hiệu quả với người dân. Với sản phẩm chủ lực là mật ong hoa bạc hà, hợp tác xã đã xây dựng mối liên kết với người nuôi ong để có nguồn nguyên liệu ổn định, bảo đảm chất lượng. Hằng năm, hợp tác xã thường xuyên cử cán bộ hướng dẫn người dân kỹ thuật bảo đảm cho đàn ong phát triển tốt. Qua đó đã có gần 30 hộ nông dân trên địa bàn huyện Ðồng Văn liên kết với Hợp tác xã Pó Mỷ để nuôi ong, hộ ít nuôi vài chục tổ, hộ nhiều nuôi đến 200 tổ. Mối liên kết này không chỉ giúp người dân tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo mà còn giúp hợp tác xã có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng.
Sự lớn mạnh của các hợp tác xã nông nghiệp đã góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều địa phương đã hình thành các hợp tác xã hỗ trợ người dân phát huy tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông, lâm nghiệp để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Trước đây, người dân chỉ quen với phương thức sản xuất đơn lẻ, ít quan tâm đến khái niệm liên doanh, liên kết trong sản xuất để tạo ra những sản phẩm mang tính hàng hóa. Tuy nhiên hiện nay, Hà Giang đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như vùng trồng cam sành ở các huyện Bắc Quang, Quang Bình; vùng sản xuất chè Shan tuyết ở các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần; vùng nuôi ong bạc hà, nuôi bò vàng ở Cao nguyên đá Ðồng Văn; vùng trồng cây dược liệu ở Vị Xuyên, Quản Bạ.
Thời gian vừa qua, tỉnh Hà Giang cũng có cơ chế, chính sách hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, khai thác tiềm năng, lợi thế sản xuất ra nhiều sản phẩm đặc thù có giá trị kinh tế. Hiện đã có hàng trăm hợp tác xã nông nghiệp được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, xây dựng sản phẩm OCOP; hỗ trợ đầu tư thay đổi dây chuyền sản xuất; hỗ trợ tiếp cận với các nguồn vốn vay ngân hàng và quỹ hỗ trợ hợp tác xã.
Ðược thành lập từ năm 2017, ban đầu Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Pó Mỷ cũng gặp khó khăn về vốn đầu tư. Tuy nhiên, với kế hoạch sản xuất, kinh doanh dài hạn, có tính khả thi, nhất là xây dựng được mối liên kết với người dân trong tiêu thụ sản phẩm nông sản, chính quyền địa phương và các ngành chức năng của tỉnh đã hỗ trợ hợp tác xã rất nhiều. Bà Lưu Thị Hòa, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước là động lực rất lớn để các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động bền vững. Hợp tác xã của bà được hỗ trợ máy hạ thủy phần mật ong trị giá 300 triệu đồng và quảng bá giới thiệu sản phẩm, xây dựng sản phẩm OCOP từ nguồn khuyến công; được vay 290 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã...”.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang Hoàng Gia Long cho biết, hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh khóa 17, tỉnh đang nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững; mở rộng quy mô, thu hút nông dân, người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tham gia, đưa hợp tác xã nông nghiệp trở thành mô hình kinh tế quan trọng ở khu vực nông thôn. Từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho người nông dân, tạo điều kiện, động lực thu hút đầu tư, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.