Kết quả này có được là do khu vực HTX đã có sự thay đổi mô hình, phương thức hoạt động, tăng cường mối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Xu hướng sản xuất gắn với yêu cầu của thị trường ngày càng được người sản xuất và nhà phân phối quan tâm. Kết quả khảo sát năm 2021 từ Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp (Viện AMI) cho thấy, 96% số HTX trả lời có thực hiện bán hàng qua hợp đồng với người mua với tỷ lệ chiếm 45% tổng sản phẩm của thành viên sản xuất ra...
Lan tỏa mô hình liên kết
Tháng 9/2015, được sự giúp đỡ của Liên minh HTX Hà Nội, HTX Thăng Long được thành lập với chín doanh nghiệp và ba cá nhân là thành viên. Với định hướng kết nối trong sản xuất, kinh doanh ngay từ ban đầu, HTX không ngừng cải tiến, đổi mới và nâng cao chất lượng cũng như đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ. Thí dụ, bằng sự kiên kết với bốn công ty, HTX đã tham gia sản xuất bộ sa bàn giao thông phục vụ cho học sinh với hàng chục chi tiết lắp ghép, được Bộ Giáo dục và Ðào tạo đưa vào thực nghiệm. Ngoài ra, HTX cũng tham gia đề tài với Công ty Bình Thuận, Công ty Bách Khoa, Công ty Việt Hoa, Công ty Thủ Ðô để sản xuất bộ van chia nước giữ độ ẩm cho đất phục vụ những vùng khô hạn theo đơn đặt hàng của một doanh nghiệp Nhật Bản. Hiện sản phẩm đang được sản xuất đại trà, đồng thời mở rộng ra nhiều thị trường tiềm năng.
Theo Giám đốc HTX Thăng Long Trần Viết Hải, bước đầu mô hình HTX với thành viên là các doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả đáng khích lệ, đẩy mạnh tính hợp tác. Liên kết bền vững giữa các công ty với HTX tạo ra nhiều sản phẩm sáng tạo phục vụ nhu cầu xã hội. Ðây là mô hình HTX liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất, nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên, đồng thời cũng tạo ra lợi nhuận cho chính HTX.
"Hợp tác để phát triển" là phương châm hoạt động của HTX nông nghiệp Phú Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa). Ðược chuyển đổi từ Luật HTX 2003 sang thực hiện Luật HTX 2012, hiện nay, HTX có 955 hộ thành viên. Giám đốc HTX Phú Lộc Hoàng Văn Toàn cho biết, Nghị quyết Ðại hội thành viên đã xác định chức năng, nhiệm vụ của HTX thực hiện sáu khâu dịch vụ; trong đó, quan trọng nhất là dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho các hộ thành viên. Nhận thức về việc hợp tác, liên kết sản xuất phải gắn với tiêu thụ sản phẩm là mục tiêu quan trọng hàng đầu cho nên HTX Phú Lộc luôn chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về chủ trương dồn điền, đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có thị trường đầu ra ổn định vào sản xuất.
HTX cũng tích cực tìm kiếm thông tin thị trường, thông qua các hội chợ, sàn thương mại điện tử, qua phần mềm kết nối cung-cầu của tỉnh, của Liên minh HTX Việt Nam để gặp gỡ, trao đổi; đồng thời, tìm kiếm những doanh nghiệp có truyền thống, đủ năng lực tiêu thụ khối lượng hàng hóa lớn để ký kết các hợp đồng liên kết, hợp tác sản xuất. Nhờ vậy, sau 10 năm, mô hình liên kết sản xuất-kinh doanh theo chuỗi giá trị nhận được sự đồng thuận cao của người dân, thành viên HTX, tạo thêm việc làm cho người lao động và chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông nghiệp, hạn chế bỏ ruộng không sản xuất, đem lại thu nhập ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Cần mối liên kết ràng buộc, chặt chẽ hơn
Theo lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam, để đẩy mạnh tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết hoàn chỉnh cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các chủ thể gồm: HTX, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Sự liên kết này giúp các HTX xây dựng quy trình sản xuất theo hướng an toàn; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, liên kết theo chuỗi gắn với tiêu thụ; tổ chức nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng cho cán bộ quản lý HTX, kỹ năng đàm phán ký kết hợp đồng..., từ đó giúp thành viên HTX hiểu được nhu cầu của người tiêu dùng, làm ra những sản phẩm theo yêu cầu với giá trị kinh tế cao hơn, thay vì sản xuất và tiêu thụ theo truyền thống "bán cái mình có" như trước.
Phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị là phù hợp định hướng phát triển của nền nông nghiệp nói chung. Tuy nhiên, theo khảo sát của Viện AMI, mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà phân phối trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản còn lỏng lẻo; chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau. Nội dung hợp đồng bao tiêu sản phẩm là hợp đồng có tính hướng dẫn, tính pháp lý không cao, không có ràng buộc hoặc đối ứng cho nên các bên dễ vi phạm hợp đồng.
Từ thực tế hoạt động, Giám đốc HTX Phú Lộc Hoàng Văn Toàn cho biết, để đạt được kết quả tốt, hiệu quả trong liên kết chuỗi, một trong những bài học cần lưu ý là phải có cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng tốt. Ngoài ra, việc quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa theo hợp đồng liên kết phải đạt mức độ đủ lớn để cung ứng theo yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường, với phương châm mua chung và bán chung sản phẩm.