Liên kết phát triển bền vững du lịch vùng Bắc Trung Bộ

Bắc Trung Bộ là trung tâm du lịch văn hóa, sinh thái quan trọng của đất nước với hệ thống di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới nổi tiếng. Thời gian qua, nhiều thương hiệu du lịch trong vùng đã được khẳng định trên bản đồ du lịch thế giới và trong nước. Tuy nhiên, để du lịch vùng Bắc Trung Bộ có bước đột phá, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh, hình thành chuỗi sản phẩm du lịch để mang đến cho du khách những trải nghiệm khác biệt, hấp dẫn.
0:00 / 0:00
0:00
Du thuyền quốc tế cập Cảng Hòn La (Quảng Bình).
Du thuyền quốc tế cập Cảng Hòn La (Quảng Bình).

Ngày 11/11/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2161/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh tập trung phát triển du lịch tham quan di sản thế giới và văn hóa-lịch sử; liên kết, hợp tác nội vùng, liên vùng và quốc tế là nội dung quan trọng, xuyên suốt đối với phát triển du lịch Bắc Trung Bộ. Các địa phương đều xác định rõ tiềm năng, lợi thế vùng, chủ động, sáng tạo, sớm cụ thể hóa Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bằng các chính sách liên kết vùng phát triển du lịch nhằm tạo bước phát triển đột phá, thúc đẩy ngành công nghiệp “không khói”.

Nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng

Bắc Trung Bộ có bờ biển dài hơn 650km (chiếm khoảng 20% tổng chiều dài bờ biển Việt Nam), với nhiều bãi tắm trải dài cát trắng, biển xanh được ví như “nàng tiên biển” thuận lợi cho phát triển du lịch biển. Cùng với biển thì thiên nhiên ở phía tây, hệ thống hang động và rừng nguyên sinh đã tạo nên thế mạnh du lịch sinh thái, du lịch khám phá trải nghiệm nổi tiếng cho khu vực. Trong đó, Quảng Bình được mệnh danh là “vương quốc hang động”, với hệ thống hơn 300 hang động đã được khám phá mang lại cho du khách sự ngạc nhiên và vô cùng thú vị. Điển hình của loại hình du lịch khám phá- sản phẩm du lịch tiêu biểu của vùng Bắc Trung Bộ là tua du lịch “Khám phá hang động lớn nhất thế giới-hang Sơn Đoòng” ở Quảng Bình.

Ở khu vực Bắc Trung Bộ, bên cạnh nhiều di sản văn hóa thế giới thì đây là địa bàn tập trung nhiều di tích chiến tranh, cách mạng có giá trị đặc biệt tạo nên thế mạnh riêng có trong phát triển du lịch tham quan di sản và du lịch về nguồn. Các di tích lịch sử đã góp phần hình thành nên một bảo tàng sinh động về cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc, có giá trị tinh thần lớn lao để phát triển loại hình du lịch tham quan, du lịch hoài niệm chiến trường xưa. Ngành du lịch sáu tỉnh trong vùng đã chủ động tổ chức đón khách du lịch, ký kết hợp tác với các đoàn Farmtrip trong và ngoài nước.

Theo Tổng cục Du lịch, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã tổ chức được bộ máy phối hợp chung trong xây dựng chiến lược và phát triển sản phẩm du lịch cụm liên kết gồm: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh; Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Hiện, toàn vùng có 234 đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch và lữ hành. Trên cơ sở liên kết, bước đầu đã hình thành chuỗi sản phẩm du lịch có tính liên vùng dựa trên kết hợp giữa sản phẩm du lịch các địa phương trong vùng. Điển hình chuỗi sản phẩm du lịch liên vùng “Con đường di sản miền trung”, “Con đường sinh thái, văn hóa tâm linh bắc miền trung gắn với du lịch có trách nhiệm và bền vững” nhằm khai thác tối đa lợi thế của từng địa phương, tạo sức hút với khách du lịch.

Tăng cường liên kết

Bên cạnh các kết quả đạt được thì du lịch các tỉnh Bắc Trung Bộ còn manh mún, nặng tính mùa vụ, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh; việc liên kết phát triển trong lĩnh vực này chỉ mới dừng lại ở mức độ chủ trương, chưa thực chất. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, các tỉnh Bắc Trung Bộ còn chậm triển khai các hoạt động liên kết du lịch, vì thế du lịch chưa có sự đột phá và mở rộng ra thế giới.

Lượng khách du lịch, doanh thu từ du lịch của các địa phương còn thấp; sự liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong nội vùng chưa đồng bộ. Đặc biệt, sự liên kết của vùng với các trung tâm phân phối khách du lịch lớn của cả nước chưa được quan tâm đúng mức. Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhận định: Các tỉnh Bắc Trung Bộ có lợi thế liền một dải, thuận lợi về giao thông kết nối, nhất là tương đồng về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, nhân văn. Vì thế, các tỉnh cần quan tâm, phối hợp để liên kết đi vào thực chất, hiệu quả; thường xuyên tổ chức các nhóm công tác phối hợp chia sẻ, nắm bắt tình hình sản phẩm, khách hàng, quảng bá xúc tiến nhằm tận dụng thế mạnh của mỗi tỉnh, tạo nên cụm điểm đến với các sản phẩm du lịch độc đáo, đa dạng...

Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, Đặng Đông Hà cho biết, sau đại dịch Covid-19, xu hướng đi du lịch của người dân có nhiều thay đổi, vì thế, ngành Du lịch của tỉnh đã thay đổi cách làm bằng việc đưa thêm các điểm đến sinh thái để du khách có thể trải nghiệm và cảm nhận; phát huy thế mạnh độc đáo về tài nguyên là hệ thống hang động, rừng nguyên sinh; liên kết đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số và các kênh truyền thông quốc tế.

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nêu rõ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, hệ sinh thái biển, rừng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Cùng với việc liên kết và tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, các tỉnh Bắc Trung Bộ đang kêu gọi, thu hút đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, cụ thể là tham gia với Bộ Giao thông vận tải triển khai dự án xây dựng đường cao tốc để kết nối với khu vực trọng điểm miền trung, phía nam và cả phía bắc; nâng cấp hạ tầng hàng không, quy hoạch và mở rộng tuyến đường ven biển xuyên vùng để từ đó phát triển du lịch, dịch vụ.