Liên kết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng Đông Nam Bộ

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực không chỉ cho Thành phố mà còn cả phía nam, trong đó có khu vực Đông Nam Bộ. Việc đẩy mạnh liên kết giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của vùng.
0:00 / 0:00
0:00

Nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là yếu tố quan trọng, nòng cốt bảo đảm cho phát triển, hội nhập sâu rộng, bền vững, ổn định trong điều kiện mới. Nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực Đông Nam Bộ đã chọn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những điểm đột phá phải luôn quan tâm thực hiện.

Điển hình như tỉnh Bình Phước, trong nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương để cụ thể hóa các chỉ tiêu nghị quyết đề ra, trong đó đặc biệt chú trọng việc thu hút nguồn nhân lực về công nghệ thông tin phục vụ cho quá trình chuyển đổi số trên địa bàn; tăng cường năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục công lập, như tái cấu trúc Trường cao đẳng Bình Phước để làm nòng cốt cho công tác đào tạo nghề của tỉnh.

Tỉnh còn chú trọng phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập theo hình thức xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo trong tất cả các cấp học, trình độ đào tạo theo đúng quy định của pháp luật.

Việc đẩy mạnh liên kết vùng Đông Nam Bộ thời gian qua đòi hòi Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vững vai trò "nhạc trưởng" điều phối trên nhiều lĩnh vực, trong đó có công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng. Trong năm 2023, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã đào tạo hơn 37 nghìn sinh viên thuộc 6 tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ.

Ngoài Thành phố Hồ Chí Minh (hơn 24 nghìn sinh viên), hơn 13 nghìn sinh viên ở 5 tỉnh khu vực Đông Nam Bộ đang theo học tại các trường đại học thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Chưa kể, đến năm 2025, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở phân viện đại học với quy mô 1.000 sinh viên/năm tại tỉnh Bình Phước. Sự liên kết này sẽ giúp cho các tỉnh trong khu vực có điều kiện nâng cao nguồn nhân lực của tỉnh nhà cả về số lượng lẫn chất lượng.

Sự cần thiết trong việc đẩy mạnh liên kết để phát triển nguồn nhân lực cho khu vực Đông Nam Bộ càng thấy rõ hơn trên lĩnh vực y tế. Sau thời gian tập trung nguồn lực để ứng phó với đại dịch Covid-19, đã đến lúc ngành y tế các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ cùng nhau rà soát, đánh giá lại năng lực của hệ thống y tế so với nhu cầu thực tế về chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn, trên cơ sở đó tham mưu cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm và đầu tư nguồn lực cho hệ thống y tế phát triển.

Bên cạnh đó, việc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện bộ, ngành đóng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của thành phố được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là bệnh viện tuyến cuối cho các tỉnh, thành phố phía nam mang ý nghĩa rất quan trọng và thiết thực.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động tổ chức các hội nghị trực tuyến với Sở Y tế các tỉnh trong khu vực nhằm xác định nhu cầu cần đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực của hệ thống y tế của khu vực Đông Nam Bộ, góp phần không ngừng cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân trong khu vực.

Tại các buổi họp định kỳ, ngành y tế các tỉnh đã thẳng thắn nêu lên những khó khăn, cũng như kiến nghị, đề xuất các chương trình hợp tác với các bệnh viện Trung ương trên địa bàn thành phố, các bệnh viện thành phố từ công tác phòng chống dịch bệnh, đến phát triển y tế cơ sở, tư vấn, hội chẩn và khám, chữa bệnh từ xa cho đến phát triển y tế chuyên sâu, với mục đích nâng cao hơn nữa chất lượng khám, điều trị tại bệnh viện các tỉnh trong khu vực.

Có thể nói, sự liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ trong phát triển nguồn nhân lực đã đạt được những kết quả bước đầu. Để đạt kết quả cao hơn nữa, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, sự liên kết này cần phải được thắt chặt, đồng bộ hơn, nhất là về những chính sách phát triển nguồn nhân lực của các tỉnh, thành phố.

Song song đó, vai trò đầu tàu, "nhạc trưởng" của Thành phố Hồ Chí Minh cần được phát huy hơn nữa để thành phố có thể tiếp tục đào tạo, cung cấp cho các khu vực nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực chuyển đổi số vùng, qua đó góp phần tạo sự đột phá trong phát triển của vùng Đông Nam Bộ.