Liên hợp quốc họp khẩn về căng thẳng Nga - Ukraina

Theo Reuters và TTXVN, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 26-11 họp khẩn, thảo luận về căng thẳng trên biển giữa Nga và Ukraina.

Cuộc họp được triệu tập theo đề nghị của cả Nga và Ukraina, diễn ra sau khi lực lượng biên phòng Nga bắt giữ ba tàu chiến của Ukraina sau khi các tàu này tiến vào lãnh hải của Nga mà không có phản ứng trước yêu cầu dừng lại của các lực lượng thuộc Cơ quan An ninh LB Nga (FSB) và Hạm đội Biển Ðen. Phía Nga đã phải sử dụng vũ khí, khiến ba binh sĩ của Ukraina bị thương, song không nguy hiểm tính mạng.

* Ngày 26-11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga G.Karasin cho rằng, Ukraina và phương Tây đã chọn biển Azov làm nơi để "biến những hành động khiêu khích của Kiev trở thành vụ bê bối quốc tế". Bộ Quốc phòng Nga đã điều các thiết bị không người lái của Hạm đội Biển Ðen và Lực lượng không quân - vũ trụ để ngăn chặn các vụ khiêu khích mới tại eo biển Kerch.

* Hội đồng An ninh quốc phòng Ukraina ngay lập tức thông qua quyết định ban bố tình trạng chiến tranh trên lãnh thổ Ukraina trong vòng 60 ngày. Tuy nhiên, quyết định này cần được Quốc hội Ukraina phê chuẩn. Tại cuộc họp Hội đồng An ninh quốc phòng Ukraina, Tổng thống nước này P.Poroshenko cho biết đã trình Quốc hội xem xét việc ban bố tình trạng chiến tranh.

* Ngày 26-11, phía Ukraina tăng cường an ninh tại biên giới. Toàn bộ lực lượng hải quân Ukraina được đặt vào tình trạng báo động. Tất cả tàu chiến đóng tại cảng Odessa đã ra khơi. Hoạt động chuyển quân được thực hiện trong đêm 25-11 và đến sáng 26-11. Bộ Ngoại giao Ukraina xác nhận, Kiev đã đề nghị Moskva trao trả các thủy thủ và ba tàu bị Nga bắt giữ, đồng thời bồi thường thiệt hại.

* Liên hiệp châu Âu (EU) và NATO hối thúc Nga và Ukraina giảm căng thẳng. Tuyên bố của EU bày tỏ hy vọng, Nga khôi phục tự do đi lại tại eo biển Kerch và hối thúc các bên hành động với sự kiềm chế tối đa nhằm xoa dịu tình hình. NATO cũng hối thúc kiềm chế và giảm căng thẳng, đồng thời kêu gọi Nga bảo đảm việc tự do tiếp cận các cảng của Ukraina tại biển Azov phù hợp luật pháp quốc tế.