Libya thông báo hoãn tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia

NDO -

Theo Ủy ban Bầu cử Quốc gia cấp cao Lybia, các cuộc bầu cử bị trì hoãn là do thiếu luật bầu cử cần thiết liên quan đến vai trò tư pháp trong kháng cáo.

Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Libya tại Sirte. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Libya tại Sirte. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Truyền thông Bắc Phi ngày 22/12 đưa tin, Ủy ban Bầu cử Quốc gia cấp cao Libya (HNEC) đã thông báo hoãn các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội của nước này, vốn dự kiến được tổ chức vào ngày 24/12 theo kế hoạch đã định, đồng thời đề xuất tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia vào ngày 24/1/2022.

HNEC nhấn mạnh rằng, Quốc hội Libya là cơ quan có thẩm quyền ấn định một lịch trình mới để tổ chức bầu cử.

Theo HNEC, các cuộc bầu cử bị trì hoãn là do thiếu luật bầu cử cần thiết liên quan đến vai trò tư pháp trong kháng cáo, trong khi điều này lại là một vấn đề nghiêm trọng trong quá trình bầu cử, tác động tiêu cực đến quyền bảo vệ các quyết định của HNEC.

HNEC cũng chỉ ra rằng sự can thiệp hiện nay vào chính trị cũng như các phán quyết tư pháp đã khiến HNEC phải tuyên bố tình trạng bất khả kháng và cơ quan này đã không thể công bố danh sách ứng cử viên tổng thống cuối cùng.

Liên quan cuộc bầu cử quốc hội, HNEC cho hay việc xét duyệt đơn đăng ký của 5.385 ứng cử viên đang trong giai đoạn xem xét cuối cùng.

Quốc hội Libya ngày 22/12 đã thành lập một ủy ban gồm 10 thành viên có nhiệm vụ chuẩn bị một lộ trình cho giai đoạn sau ngày 24/12, sau khi kế hoạch tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội đã bị hoãn.

Quyết định này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi HNEC thông báo lùi các cuộc bầu cử đến ngày 24/1/2022.

Trong một diễn biến khác, phát biểu tại hội thảo với chủ đề "Vai trò của phụ nữ trong tiến trình chính trị Libya" diễn ra ở Tripoli, ông Abdul-Hamid Dbeibah, Thủ tướng Libya đồng thời là ứng cử viên tổng thống, nói rằng các cuộc bầu cử ở nước này phải dựa trên 3 yếu tố và việc thiếu một trong số đó đã dẫn đến sự thất bại của các cuộc bầu cử, dự kiến diễn ra vào ngày 24/12.

Theo ông Dbeibah, yếu tố đầu tiên là hiến pháp để người dân Libya có thể tham khảo, và yếu tố thứ hai là luật bầu cử để bảo đảm cuộc bầu cử công bằng và đáng tin cậy, trong khi yếu tố thứ ba là bảo đảm kết quả bầu cử được chấp nhận.