Libya giải cứu 300 người di cư trái phép

NDO -

NDĐT - Ngày 18-2, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho biết, Lực lượng bảo vệ bờ biển Libya một ngày trước đó đã giải cứu hơn 300 người di cư trái phép ngoài khơi bờ biển nước này.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Libya đưa người di cư trái phép cập bến tại Libya. (Ảnh: IOM Libya 2020)
Lực lượng bảo vệ bờ biển Libya đưa người di cư trái phép cập bến tại Libya. (Ảnh: IOM Libya 2020)

Theo thống kê của IOM, kể từ đầu năm 2020 đến nay, đã có hơn 1.500 người di cư trái phép được giải cứu ngoài khơi bờ biển Libya. “Phần lớn người di cư vẫn sẽ phải đến các trung tâm giam giữ đông đúc, ở đó họ có nguy cơ phải hứng chịu thêm rủi ro”, IOM nhấn mạnh.

Đến nay, nhiều người di cư vẫn chọn Libya là điểm quá cảnh để tìm đường vượt Địa Trung Hải sang châu Âu. Trong khi đó, IOM nhiều lần cảnh báo rằng, Libya là điểm đến không an toàn đối với người di cư do tình hình an ninh tại quốc gia Bắc Phi ngày càng xấu đi. IOM ước tính, tại Libya có khoảng 650 nghìn người di cư trái phép, nhiều người trong số này không được đáp ứng các nhu cầu cơ bản cũng như không được chăm sóc y tế đầy đủ.

Tính đến trung tuần tháng 1-2020, hơn 1.000 người di cư đăng ký tham gia chương trình hồi hương nhân đạo tự nguyện do IOM tổ chức vẫn mắc kẹt tại Libya do tình hình an ninh tại đây.

“Dù vẫn diễn ra trên toàn Libya, nhưng phần lớn hoạt động và chương trình của chúng tôi đã bị ảnh hưởng, đặc biệt sự an toàn của người di cư khi di chuyển đến các điểm trung chuyển và sân bay. Chúng tôi cần có độ an toàn tối thiểu để có thể hỗ trợ 500 người trở về nhà an toàn theo đúng kế hoạch trong những ngày sắp tới”, người đứng đầu Phái bộ IOM tại Libya Federico Soda cho biết.

Cuối năm 2019, IOM một lần nữa hối thúc Liên hiệp châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU) cần khẩn trương thay đổi cách tiếp cận tình hình tại Libya. IOM cho rằng, việc phải lập tức triển khai là tháo dỡ hệ thống giam giữ người di cư trái phép và tìm kiếm các giải pháp thay thế để bảo đảm an toàn cho người dân.