LHQ: 70% dân số thế giới sống trong sự bất bình đẳng

NDO -

NDĐT - Hơn 70% người dân thế giới sống ở các quốc gia có sự bất bình đẳng gia tăng kể từ năm 1990, và sự bất bình đẳng ngày càng tăng đang mang lại lợi ích cho những người giàu nhất. Đây là thông tin được Liên hợp quốc (LHQ) đưa ra trong Báo cáo xã hội thế giới 2020.

Biến đổi khí hậu là một trong những nhân tố khiến sự bất bình đẳng gia tăng (Ảnh: DW)
Biến đổi khí hậu là một trong những nhân tố khiến sự bất bình đẳng gia tăng (Ảnh: DW)

Tình trạng bất bình đẳng gia tăng

Bản báo cáo nhấn mạnh, nhưng bất bình đẳng gia tăng không phải là một xu hướng phổ quát, đã có sự suy giảm bất bình đẳng thu nhập trong hai thập kỷ qua ở hầu hết các quốc gia Mỹ Latinh và Caribbean và ở nhiều nước châu Phi.

Theo dữ liệu sẵn có từ năm 1990 đến 2015, dù đạt được tiến bộ này, tỷ lệ thu nhập sẽ thuộc về 1% dân số toàn cầu giàu nhất tăng ở 46 trên 57 quốc gia và khu vực.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế và Xã hội LHQ cho hay, ở cả các nước phát triển và đang phát triển, thuế suất đều giảm, với mức thuế thu nhập hàng đầu ở các nước phát triển giảm từ 66% năm 1981 xuống còn 43% vào năm 2018.

Sự khác biệt thu nhập giữa một số quốc gia và khu vực cũng rất lớn. Thí dụ, báo cáo cho biết thu nhập trung bình của những người sống ở Bắc Mỹ gấp 16 lần so với những người sống ở cận Sahara của châu Phi.

Chuyên gia kinh tế trưởng của LHQ Elliott Harris nhận định: “Vào thời điểm khi những hậu quả của thế giới bất bình đẳng sâu sắc diễn ra hằng ngày, báo cáo này cho thấy thách thức bất bình đẳng là một vấn đề toàn cầu”.

Trước bản báo cáo này, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã viết, “ở cả phía Bắc và phía Nam, các cuộc biểu tình rầm rộ đã bùng lên, thúc đẩy bởi sự kết hợp của những vấn đề kinh tế, sự bất bình đẳng gia tăng và sự bất an trong công việc”.

Trong báo cáo có tiêu đề có tựa đề “Sự bất bình đẳng trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng”, TTK Guterres chỉ rõ, sự chênh lệch thu nhập và thiếu cơ hội đang tạo ra một vòng luẩn quẩn bất bình đẳng, thất vọng và bất mãn qua các thế hệ.

Bốn xu hướng tác động sự bất bình đẳng

Bản báo cáo đã chỉ ra tác động của bốn xu hướng đối với sự bất bình đẳng: đổi mới công nghệ, biến đổi khí hậu, đô thị hóa và di cư quốc tế.

Theo đó, những đột phá công nghệ nhanh chóng trong những thập kỷ gần đây có xu hướng tạo ra “những người chiến thắng và những người thua cuộc”, với người lao động có tay nghề cao được hưởng lợi nhiều nhất, trong khi phần lớn người lao động có tay nghề thấp phải đối mặt với “sự gián đoạn công việc và đôi khi là sự hủy diệt”.

Cách mạng kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo đang mở ra cơ hội việc làm mới rộng lớn trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế và nông nghiệp, nhưng những điều này chỉ có thể được thực hiện nếu tất cả mọi người đều có quyền truy cập internet. Song điều này lại không xảy ra vì “sự phân chia kỹ thuật số mới” đang được hình thành. Cụ thể, khoảng 87% người dân ở các nước phát triển có quyền truy cập internet, trong khi chỉ có 19% người dân ở các nước đang phát triển được truy cập internet.

Đối với tình trạng biến đổi khí hậu, bản báo cáo nói rằng, các nước nghèo ở vùng nhiệt đới nằm trong số những quốc gia bị tác động xấu nhất và những người đang sống trong nghèo đói đang bị làm cho nghèo hơn.

Nếu không được giải quyết, biến đổi khí hậu có thể khiến hàng triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói trong 10 năm tới. Nhưng các hành động để chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang các nền kinh tế xanh có thể làm giảm nghèo đói và tình trạng bất bình đẳng.

Trong một thế giới đô thị hóa nhanh chóng, sự phân chia nông thôn-thành thị đang dần mất đi ở một số khu vực nhưng lại mở rộng ở những khu vực khác.

“Các thành phố là chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế, đổi mới và việc làm. Tuy nhiên, khu vực thành thị bất bình đẳng hơn khu vực nông thôn”, bản báo cáo cho hay.

Theo báo cáo, mặc dù thu nhập ở các thành phố cao hơn so với khu vực nông thôn ở hầu hết các nước phát triển và đang phát triển, nhưng “cứ một trong bốn cư dân thành thị (hơn một tỷ người) phải sống trong các khu ổ chuột” năm 2016.

Bản báo cáo này gọi tình trạng di cư quốc tế là một biểu tượng mạnh mẽ của sự bất bình đẳng toàn cầu, cho dù về tiền lương, cơ hội hay lối sống.

Theo đó, sự di cư của hàng triệu người trên khắp các quốc gia và lục địa hằng năm “nói chung có lợi cho hầu hết người di cư và quốc gia xuất xứ và điểm đến của họ”, mặc dù không đồng đều giữa các quốc gia hoặc trong các quốc gia.

Theo TTK Guterres, những báo cáo của LHQ đang gửi thông điệp rằng, dù những thách thức này là không thể đảo ngược, nhưng chúng có thể được khai thác để tạo nên một thế giới công bằng và bền vững hơn. Ngược lại, nếu bị bỏ quên, chúng có thể khiến thế giới bị chia rẽ hơn nữa.