Chúng tôi tìm đến xã Vinh Hiền (huyện Phú Lộc), nơi đầm Cầu Hai thông ra biển Đông, để cảm nhận một phần nào cảnh đẹp và cuộc sống nơi sông nước vốn nổi danh “sơn thủy hữu tình” của xứ Huế.
Khoảnh khắc cuối ngày trên đầm Cầu Hai.
Đầm phá Tam Giang – Cầu Hai là hệ sinh thái nước lợ rộng lớn và phong phú bậc nhất Đông Nam Á với tổng diện tích mặt nước khoảng 216 km2, muốn khám phá hết có lẽ phải dành nhiều năm… Nhiều tour du lịch quảng cáo hoàng hôn trên đầm phá là đẹp nhất. Lại có người nói, nhất định phải ngắm bình minh.
Chúng tôi quyết định ngủ một đêm trên đầm để được thưởng thức cả hai thời điểm đặc biệt này. Chạy xe từ thành phố Huế về, do mải mê ngắm cảnh làng mạc, chùa chiền hai bên đường đi nên chúng tôi đến nơi khá muộn, khi mặt trời đã xuống núi, ráng chiều gần tan. Tuy vậy, cả đầm phá vẫn đẹp lung linh trong những quầng sáng màu tím hồng, xa xa le lói ánh đèn trong làng và trên những con thuyền. Mặt nước mênh mông cũng phản chiếu ánh hồng, gợn chút sóng lăn tăn theo từng cơn gió mát rượi.
Qua sự giới thiệu của một người bạn, chúng tôi liên hệ với anh Nguyễn Văn Ty, ngư dân trong xã, để ăn, ngủ tại thuyền của gia đình anh – một kiểu “homestay” nhưng là trên mặt nước, hứa hẹn những trải nghiệm độc đáo, thú vị.
Gia đình anh Ty thết đãi chúng tôi một bữa tiệc cá, tôm ngay trên chiếc thuyền lênh đênh giữa đầm, dưới trăng thanh gió mát. Cá ong, cá căng, cá hành, cá nâu... tươi rói, được hấp gừng, nấu chua dậy mùi thơm phức, ăn vào ngọt lịm. Chủ và khách chuyện trò sôi nổi đến khuya. Chị Nga, vợ anh Ty, còn cao hứng hát cho chúng tôi nghe vài đoạn hò, ca Huế (mà thú thực tôi nghe không rõ lời, chỉ nhớ là giọng Huế thật ngọt, thật tình).