Buổi lễ được tổ chức tại Trung tâm đào tạo bóng đá quốc gia J-Village, thuộc địa phận các thị trấn Naraha và Hirono. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sự kiện này không mở cửa cho khán giả tới tham dự.
Bộ trưởng phụ trách Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo Seiko Hashimoto phát biểu tại lễ khai mạc: “Năm vừa qua, thế giới tiếp tục chìm trong giai đoạn khó khăn trước ảnh hưởng dịch bệnh, thế nhưng, ngọn lửa Olympic vẫn luôn cháy, âm thầm nhưng mạnh mẽ. Ngọn lửa nhỏ đã không mất đi hy vọng, và cũng giống như những nụ hoa anh đào sắp chớm nở, ngọn đuốc cuối cùng cũng đã được thắp cháy”.
Các thành viên trong đội tuyển từng vô địch giải World Cup bóng đá nữ năm 2011 là những vận động viên chạy tiếp sức đầu tiên trong cuộc rước đuốc Olympic Tokyo.
Khoảng 10.000 người có vinh dự rước ngọn đuốc Olympic qua 859 thành phố ở 47 tỉnh thành của Nhật Bản, trước khi ngọn lửa thiêng này được thắp lên đài đuốc trong lễ khai mạc vào ngày 23-7 tại Sân vận động quốc gia ở thủ đô Tokyo.
Hành trình rước đuốc của Olympic Tokyo có sự tham gia của nhiều nhân vật tên tuổi và đặc biệt nhất trong số này có lẽ là bà Kane Tanaka, 118 tuổi, được sách kỷ lục Guinness ghi nhận là người lớn tuổi nhất trên thế giới tại thời điểm này.
Theo quy định của Ban tổ chức, những người tham gia rước đuốc sẽ được yêu cầu đeo khẩu trang trong hành trình kéo dài một tháng. Ngoài ra, họ cũng được yêu cầu nộp hồ sơ kiểm tra sức khỏe trong 15 ngày trước khi bắt đầu thực hiện nhiệm vụ.
Trong khi đó, người hâm mộ cũng được yêu cầu đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người, giữ khoảng cách, chỉ được cổ vũ bằng cách vỗ tay, không hò hét và chỉ tham dự các chặng rước đuốc gần nơi sinh sống. Ban tổ chức đã nhấn mạnh vấn đề an toàn cộng đồng là "ưu tiên hàng đầu" của Thế vận hội.
Theo kế hoạch, Olympic Tokyo sẽ diễn ra từ ngày 23-7 đến ngày 8-8, sau đó là Thế vận hội dành cho người khuyết tật (Paralympic Tokyo) từ ngày 24-8 đến ngày 5-9.
Các nhà tổ chức Olympic Tokyo thông báo đã nhất trí với Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đơn giản hóa Thế vận hội nhằm bảo đảm an toàn, tránh nguy cơ dịch Covid-19, cũng như giảm bớt tác động tài chính khi sự kiện thể thao lớn nhất thế giới này phải hoãn lại một năm.
Nhật Bản có kết quả phòng, chống dịch Covid-19 tốt hơn hầu hết các quốc gia trên thế giới. Tới thời điểm hiện tại, nước này ghi nhận hơn 460 nghìn ca mắc Covid-19, tuy nhiên, đã có tới 95% trường hợp được chữa khỏi, gần 9.000 ca tử vong.
Vào ngày hôm qua (24-3), thủ đô Tokyo ghi nhận 420 ca dương tính Covid-19 - số ca dương tính cao nhất trong ngày của tháng 3. Cho đến nay, đã có 700 nghìn người được tiêm chủng, hầu hết là nhân viên y tế, những người tham gia phòng, chống dịch tuyến đầu.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga bảo đảm rằng Chính phủ quốc gia đang hợp tác chặt chẽ cùng thủ đô Tokyo và Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) nhằm tổ chức một Thế vận hội “an toàn và nghiêm ngặt”.