Lễ giỗ lần thứ 192 Đức Tả quân Lê Văn Duyệt

NDO - Ngày 2/9, Ban quản lý Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia Lăng Lê Văn Duyệt, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức lễ giỗ lần thứ 192 Khâm sai Chưởng Tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn Gia Định Thành.
Lễ giỗ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt năm nay diễn ra trong 3 ngày từ 2/9 đến 4/9.
Lễ giỗ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt năm nay diễn ra trong 3 ngày từ 2/9 đến 4/9.

Lễ giỗ nhằm tưởng nhớ Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt. Đức Tả quân Lê Văn Duyệt sinh năm 1764; nguyên quán Quảng Ngãi, sinh quán làng Hòa Khánh, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường (nay là huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Ông hai lần được cử làm Tổng trấn Gia Định (từ năm 1812-1815 và từ năm 1820-1832).

Sinh thời, Đức Thượng Công làm Tổng trấn Gia Định thành thể hiện rõ là một vị quan công minh, thanh liêm, chính trực, luôn quan tâm chăm lo đời sống nhân dân, giữ an và mở mang vùng đất Nam Bộ.

Tài năng và công đức của Tả quân khiến người dân hết lòng kính phục, thương yêu gọi người là Ông lớn. Do đó khi tạ thế (1832), Tả quân được nhân dân xây Lăng mộ ở khu vực Bà Chiểu (phường 1, quận Bình Thạnh) và hết lòng thờ phụng đến ngày nay. Đồng thời, trong cách nhìn của dân gian, Tả quân Lê Văn Duyệt đã trở thành vị “Phúc thần” linh hiển.

Lễ giỗ Đức Thượng Công Tả quân Lê Văn Duyệt được thực hiện theo nghi thức tế lễ Tiểu cung đình triều Nguyễn. Các nghi thức được cử hành theo phong cách hoàng cung dành cho các vị khai quốc công thần.

Lễ phẩm cúng giỗ gồm trà, rượu, trầu cau, bánh Gia Định xưa cùng các vật phẩm, trái cây Nam Bộ, các loại hoa quả được kết thành hình long-mã-phụng cùng các món ăn đặc trưng phương nam. Trong Lễ giỗ có hoạt động hát kỳ yên cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, tưởng nhớ các bậc tiền hiền, các Anh hùng liệt sĩ đóng góp công lao xây dựng đất nước.

Lễ giỗ lần thứ 192 Đức Tả quân Lê Văn Duyệt ảnh 1

Biểu diễn Hát bội là hoạt động không thể thiếu trong Lễ giỗ Đức Thượng Công Tả quân Lê Văn Duyệt.

Lễ giỗ năm nay được tổ chức trong 3 ngày, từ 2/9 đến 4/9 (nhằm ngày 30/7 và 1-2/8 âm lịch) tại Di tích lịch sử-văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt với các hoạt động: Nghi lễ cúng Tiên thường; lễ dâng hương; Lễ Xây chầu-Đại bội; Hát bội tuồng cổ “Lê Công kỳ án”, “Ngũ sắc châu”, “San Hậu I, II, III”, “Lễ Tôn Vương-Hồi chầu” và đón tiếp người dân đến chiêm bái...

Việc tổ chức lễ giỗ nhằm tưởng nhớ các vị tiền nhân, Anh hùng liệt sĩ, nhân dân đã có công mở mang bờ cõi, xây dựng, gìn giữ đất nước, qua đó, giáo dục các thế hệ mai sau, đặc biệt là thế hệ trẻ hướng về cội nguồn dân tộc, có tình yêu quê hương đất nước một cách thiết thực và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.

Được biết vào tháng 11/1988, Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đây là công trình nghệ thuật kiến trúc và trang trí ghi dấu tài năng và quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật của các thế hệ nhân dân ở Nam Bộ.

Đến tháng 4/2022, lễ hội Khai hạ-Cầu an tại Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt, lễ hội truyền thống đặc sắc của địa phương để cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.