Nền kinh tế Anh trong quý III/2022 đã suy giảm sâu hơn dự báo và tụt hậu so với nhiều nền kinh tế lớn khác trong bối cảnh các gia đình ở xứ sở sương mù đang phải chật vật với tình trạng lạm phát cao.
Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố số liệu cho thấy, tăng trưởng GDP của Anh giảm 0,3% trong giai đoạn từ tháng 7-9/2022, cao hơn mức ước tính trước đó là 0,2%. GDP quý III/2022 giảm khoảng 0,8% so quý IV/2019, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Trước đó, ONS dự báo tăng trưởng GDP của Anh trong quý III năm nay chỉ thấp hơn 0,4% so mức trước đại dịch. Cả 3 lĩnh vực dịch vụ, sản xuất và xây dựng đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm lại, trong đó sản lượng dịch vụ đi ngang do suy giảm của các dịch vụ phục vụ người tiêu dùng. Sản xuất giảm 1,5%, với sản lượng đi xuống ở tất cả 13 phân ngành của lĩnh vực này.
Với số liệu mới công bố, Anh trở thành quốc gia duy nhất trong Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) chưa đạt được mức phục hồi trước đại dịch khi nền kinh tế toàn cầu bị phong tỏa vào năm 2020.
Tăng trưởng GDP của Anh giảm 0,3% trong giai đoạn từ tháng 7-9/2022, cao hơn mức ước tính trước đó là 0,2%. GDP quý III/2022 giảm khoảng 0,8% so quý IV/2019, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Quý III/2022, nền kinh tế Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng 4,3% so quý IV/2019, trong khi GDP của Canada tăng 2,7%, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng 2,2%, Nhật Bản tăng 0,9%.
Nhà kinh tế học Gabriella Dickens thuộc Công ty tư vấn Pantheon Macroeconomics cảnh báo, nền kinh tế Anh sẽ tiếp tục tụt hậu so với các quốc gia thành viên G7 khác.
Theo đó, Anh nhiều khả năng sẽ hứng chịu cuộc suy thoái sâu nhất trong số các nền kinh tế tiên tiến vào năm 2023 do mức độ nghiêm trọng của những hạn chế từ các chính sách tiền tệ và tài khóa.
Trước đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng dự báo trong 2 năm tới, Anh sẽ là nền kinh tế tăng trưởng kém nhất trong Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), trừ Nga.
Theo số liệu của ONS, người tiêu dùng Anh không chi lạm vào khoản tiết kiệm cao như dự báo, qua đó cho thấy suy thoái kinh tế ở Anh có thể nghiêm trọng hơn.
Cũng theo ONS, tỷ lệ tiết kiệm ngoài lương hưu, là phần thu nhập trung bình được tiết kiệm, đã tăng 1,8% trong quý III/2022 so mức 1,3% trong quý II/2022, cho thấy người dân Anh đang trở nên thận trọng hơn trong bối cảnh nhiều rủi ro kinh tế có thể xuất hiện và gia tăng.
Hồi tháng 11, Văn phòng Trách nhiệm ngân sách (OBR) - cơ quan giám sát tài chính của Vương quốc Anh - dự báo tỷ lệ tiết kiệm sẽ giảm xuống mức 0% trong quý III/2022, do các gia đình rút tiền tiết kiệm để bù đắp tác động của tình trạng giá cả tăng cao.
Xu hướng người tiêu dùng tiếp tục tiết kiệm, thay vì chi tiêu, có thể dẫn đến suy thoái kinh tế sâu hơn so mức sụt giảm 2,1% từ đỉnh đến đáy suy thoái mà OBR từng dự báo.
Dữ liệu của ONS cũng cho thấy, thu nhập khả dụng thực tế của các gia đình giảm 0,5% trong quý III/2022. Đây là mức giảm thứ tư liên tiếp do tiền lương không theo kịp lạm phát.
Thu nhập khả dụng thực tế của các gia đình Anh giảm 0,5% trong quý III/2022. Đây là mức giảm thứ tư liên tiếp do tiền lương không theo kịp lạm phát.
Với thu nhập thực tế giảm hoặc không tăng trong 3 năm qua, thu nhập thực tế của các gia đình ở Anh hiện thấp hơn 2,9% so quý III/2019 - mức giảm lớn nhất kể từ khi số liệu này được lưu trữ.
Trong khi đó, chi tiêu của các gia đình đã giảm 1,1% trong quý III/2022, mức giảm đầu tiên kể từ đầu năm 2021 khi Anh thực hiện phong tỏa để phòng, chống đại dịch Covid-19.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đánh giá nền kinh tế suy giảm trong quý III/2022 đánh dấu sự khởi đầu của một cuộc suy thoái sâu tại ở quốc gia này, có thể kéo dài đến hết năm 2024.
Chuyên gia kinh tế Thomas Pugh tại Công ty Kiểm toán, thuế và tư vấn RSM UK cũng dự báo nền kinh tế Anh trong năm 2025 có thể sẽ không tăng trưởng cao hơn mức trước đại dịch. Chuyên gia này nhận định, Anh gần như chắc chắn rơi vào tình trạng suy thoái kéo dài và có thể trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng đầu những năm 1990.