Liên kết vùng trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ

Vùng duyên hải miền trung và các tỉnh Tây Nguyên có 50 khu kinh tế, khu công nghiệp và một khu công nghệ cao. Hàng nghìn dự án được nhiều doanh nghiệp đầu tư, sản xuất hàng hóa đa ngành, đa lĩnh vực. Trong xu thế tối ưu hóa sản xuất, tiết kiệm chi phí, nâng hiệu suất lao động, việc tăng cường hợp tác, kết nối chuỗi sản xuất cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ giữa các khu công nghiệp, khu kinh tế của 11 địa phương trong khu vực là yêu cầu cấp bách.
0:00 / 0:00
0:00
Đường ven biển ĐT639 tỉnh Bình Định tạo thuận lợi kết nối vùng duyên hải miền trung.
Đường ven biển ĐT639 tỉnh Bình Định tạo thuận lợi kết nối vùng duyên hải miền trung.

Đến nay, vùng đã thu hút 1.475 dự án với tổng vốn đầu tư 856.440 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hơn 256.600 lao động; trong đó, các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu ở Tây Nguyên thu hút 394 dự án với tổng vốn đầu tư 38.140 tỷ đồng, giá trị sản xuất đạt 22.989 tỷ đồng. Các khu kinh tế duyên hải miền trung thu hút 1.081 dự án, với tổng vốn đầu tư 818.300 tỷ đồng, giá trị sản xuất đạt 465.065 tỷ đồng.

Tăng cường hợp tác

Để mở rộng thị trường, Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư nhà xưởng tại Khu kinh tế Dung Quất từ nhiều năm qua, chuyên tư vấn, thiết kế và thi công kết cấu thép cho các dự án. Đến nay, thị phần khu vực miền trung (chủ yếu tại Quảng Ngãi và các tỉnh lân cận) của đơn vị đạt 30 nghìn tấn mỗi năm, chiếm 20% tổng doanh thu toàn công ty.

Mỗi doanh nghiệp có sản phẩm thế mạnh riêng, qua kênh kết nối của các khu công nghiệp, khu kinh tế trong khu vực, doanh nghiệp được gặp gỡ, giới thiệu liên kết đầu tư, tìm thấy đối tác tiềm năng để mở rộng thị trường. “Doanh nghiệp hỗ trợ nhau thông qua hình thức hợp tác phù hợp. Thí dụ như chúng tôi có lợi thế về giải pháp thiết kế, thi công, liên kết với các doanh nghiệp chuyên về thép, thiết bị cùng hỗ trợ thi công các dự án trong khu vực. Tôi hy vọng khi các khu kinh tế tăng cường liên kết, doanh nghiệp sẽ gặp thuận lợi, doanh thu có thể sẽ tăng 10-15%”, ông Đỗ Trí Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng cho biết.

Với 51 khu kinh tế, khu công nghiệp và khu công nghệ cao, cơ hội cho các doanh nghiệp 11 địa phương trong vùng liên kết chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp trong khu vực rất lớn. Sự liên kết này sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, thời gian vận chuyển và hạn chế nhập khẩu cho chính các doanh nghiệp. Ông Vũ Lê Vinh, Phụ trách thị trường Bắc Mỹ, Tập đoàn công nghệ

IDEA chuyên dịch vụ hỗ trợ thiết kế bản vẽ cho các doanh nghiệp nước ngoài, gia công về cơ khí chính xác cho biết, lâu nay tập đoàn chủ yếu cung ứng sản phẩm cho các công ty FDI khu vực miền nam, nay mong muốn mở rộng thị trường duyên hải miền trung và các tỉnh Tây Nguyên. Khi các đơn vị cùng sử dụng sản phẩm công nghiệp trong khu vực sẽ tăng sản lượng sản phẩm, tăng hiệu suất lao động.

Tỉnh Gia Lai có Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh và hai Khu công nghiệp Trà Đa, Nam Pleiku. Các khu kinh tế, khu công nghiệp thu hút 62 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng. Với thế mạnh là chế biến nông sản, chế biến sữa, gỗ…, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đạt 125,76 triệu USD. Tỉnh Gia Lai kỳ vọng khi liên kết với các tỉnh duyên hải miền trung sẽ mở rộng thu hút đầu tư, góp phần tăng thêm kim ngạch xuất nhập khẩu.

Liên kết vùng trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ ảnh 1

Trao đổi thông tin tại Chương trình Kết nối chuỗi sản xuất cung ứng và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp Tây Nguyên và duyên hải miền trung.

Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Gia Lai, Trần Quang Thái cho biết, các tỉnh Tây Nguyên tuy có nhiều lợi thế về đất đai, tài nguyên nhưng cơ sở hạ tầng còn hạn chế, miền trung thì thuận lợi hơn. Nhiều năm qua, hàng hóa từ các tỉnh Tây Nguyên xuất khẩu theo hướng Thành phố Hồ Chí Minh, trục kết nối với các tỉnh duyên hải miền trung qua tuyến Gia Lai, Kon Tum về Quy Nhơn, Quảng Ngãi chưa nhiều.

Nếu các khu kinh tế, khu công nghiệp Tây Nguyên và duyên hải miền trung kết nối chặt chẽ sẽ phát huy tối đa thế mạnh. Hiện nay Thaco Trường Hải của Quảng Nam đầu tư rất lớn và xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Và ngược lại, nông lâm sản Tây Nguyên có thể xuất khẩu theo hướng cảng biển ở miền trung. Có thể nói, trục kết nối ngang giữa miền trung và Tây Nguyên rất quan trọng cho sự phát triển của vùng.

Nếu các khu kinh tế, khu công nghiệp Tây Nguyên và duyên hải miền trung kết nối chặt chẽ sẽ phát huy tối đa thế mạnh. Hiện nay Thaco Trường Hải của Quảng Nam đầu tư rất lớn và xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Và ngược lại, nông lâm sản Tây Nguyên có thể xuất khẩu theo hướng cảng biển ở miền trung. Có thể nói, trục kết nối ngang giữa miền trung và Tây Nguyên rất quan trọng cho sự phát triển của vùng.

Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Gia Lai, Trần Quang Thái

Liên kết vùng là yêu cầu sống còn

Vùng duyên hải miền trung trải dài ven biển với hơn 600km đường bờ biển thuận tiện kết nối giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không, đường biển, nhất là hệ thống cảng nước sâu làm thế mạnh phát triển công nghiệp. Hàng nghìn dự án cùng các doanh nghiệp đã đầu tư, sản xuất hàng hóa đa ngành, đa lĩnh vực tại khu vực, từ thiết bị công nghiệp nặng đến sản phẩm công nghiệp nhẹ, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp…

Hiện nay nhiều doanh nghiệp ở các khu kinh tế, khu công nghiệp duyên hải miền trung có sản phẩm chất lượng cao, đa dạng, đặc trưng và đang tìm kiếm đối tác liên kết thương mại để mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm trong khu vực và hướng đến vùng Tây Nguyên tiềm năng. Trong khi đó, vùng Tây Nguyên với thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch xanh, du lịch sinh thái... cũng đang tìm hướng tăng sản lượng hàng hóa xuất khẩu thông qua cảng biển miền trung.

Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển và công nghệ TPP Nguyễn Văn Biết chia sẻ, trước đây công ty cung ứng dịch vụ cải tiến máy, công nghệ tự động, chế tạo robot cho doanh nghiệp phía nam như Bình Dương, Đồng Nai nhưng đến nay đang chuyển hướng đến thị trường khu vực miền trung, Tây Nguyên. Khu vực này còn nhiều tiềm năng nhưng phát triển chậm hơn so với các nơi khác do giao thông chưa thuận lợi, chi phí sản xuất và thời gian vận chuyển nhiều. Đồng thời, hiện các vùng kinh tế khác đã bão hòa cho nên dự báo hai năm tới, vùng duyên hải miền trung, Tây Nguyên sẽ phát triển mạnh.

Theo các chuyên gia, đối với các tỉnh Tây Nguyên, muốn phát triển phải có sự cân đối với duyên hải miền trung thông qua trục ngang kết nối đường bộ, đường ven biển, đặc biệt là cảng biển nước sâu. Tăng cường trục kết nối này sẽ giúp khu kinh tế, khu công nghiệp 11 tỉnh, thành phố Tây Nguyên và duyên hải miền trung thu hẹp khoảng cách so với vùng miền khác, nhất là giúp doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh.

Nghị quyết 23-NQ/TW định hướng phát triển giai đoạn 2021-2030 cho các tỉnh Tây Nguyên đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng đạt 7-7,5%; thu nhập bình quân đầu người mỗi năm đạt 130 triệu đồng. Đối với các tỉnh duyên hải miền trung, Nghị quyết 26-NQ/TW định hướng phát triển đến năm 2023 tốc độ tăng trưởng đạt 7-7,5%; thu nhập bình quân đầu người mỗi năm 156 triệu đồng. Để đạt được những mục tiêu trên, nhiệm vụ, giải pháp của các địa phương trong vùng đều nhấn mạnh trọng tâm của liên kết vùng, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Ông Hà Hoàng Việt Phương, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, xu thế tất yếu hiện nay là các khu kinh tế, khu công nghiệp tăng cường kết nối, doanh nghiệp cùng nhau liên kết trong mối quan hệ cộng sinh; đẩy mạnh phối hợp, sử dụng dịch vụ, hàng hóa của nhau..., từ đó góp phần gắn kết trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ, từng bước nâng cao giá trị sản xuất, dịch vụ và xuất khẩu trong thời gian tới. Còn theo bà Bùi Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tỉnh trong vùng cần chia sẻ lợi ích, kinh nghiệm và khai thác tốt các chính sách hỗ trợ để cùng tìm kiếm cơ hội đầu tư, hỗ trợ nhau phát triển.