Gia đình ông Quân – bà An được biết đến là một gia đình tứ đại đồng đường, có nền tảng văn hóa, coi trọng đạo lý với những người con làm chức vụ cao. Tuy nhiên, đó chỉ là vẻ bên ngoài, là những chiếc mặt nạ khéo đậy che của các thành viên trong gia đình. Họ là những người rất đạo mạo, coi trọng truyền thống gia đình… nhưng đằng sau đó, họ sống giả dối, buông thả. Sự thật chỉ được lộ ra khi Thiên – người cháu đích tôn của gia đình đưa người yêu về ra mắt và gia đình ông Quân phải đối diện với sự thật…
“Lâu đài cát” (hay tên gọi khác “Mặt nạ người”) chính là hiện thân sự thật đen tối của các thành viên trong nhiều gia đình ngày nay. Sự ảnh hưởng của cơ chế thị trường, sự tác động của những thói hư tật xấu đã khiến con người phải đeo mặt nạ để sống bình yên, che đậy những khuyết điểm và sự tha hóa của bản thân. Cái mặt nạ ấy được vẽ bằng chất liệu của ngôn từ: Truyền thống gia đình, nhân cách đạo lý… và, cái mặt nạ ấy ngày càng dày lên, dẫn đến những hệ lụy và bi kịch khôn lường…
Vở diễn “Lâu đài cát” của tác giả Nguyễn Đăng Chương, do NSƯT Anh Tú đạo diễn, ra mắt khán giả tại Nhà hát Kịch Việt nam, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội - một điểm đến hấp dẫn cho khán giả yêu sân khấu Kịch nói chính luận.