Giáo dục Lập Thạch là mảnh ghép quan trọng trong bức tranh giáo dục Vĩnh Phúc - tỉnh hiện đứng đầu cả nước về điểm trung bình tất cả môn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và đứng thứ 2 về tỷ lệ học sinh giỏi quốc gia năm học 2022-2023.
Lập Thạch là huyện nghèo của tỉnh Vĩnh Phúc, song giáo dục của huyện rất giàu sức sống. Nhìn vào vị trí đỉnh cao của Giáo dục Vĩnh Phúc mới thấy giá trị của vị trí thứ 4/9 huyện, thành phố của Phòng Giáo dục và Đào tạo Lập Thạch rất đáng nể phục, bởi cuộc cạnh tranh vị trí của các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường ở Vĩnh Phúc hết sức khốc liệt.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Đỗ Đức Quang phấn khởi cho biết: Năm học qua, huyện đạt vị trí thứ 4 về chất lượng giải học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9, đứng thứ 4 về điểm trung bình các môn thi vào lớp 10 Trung học phổ thông và cũng giành vị trí thứ 4 điểm thi trung bình môn tiếng Anh toàn tỉnh. Những thông số đó nói lên sự cố gắng rất lớn của thầy và trò ở vùng đất hiếu học này.
Thầy Hà Trọng Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Liễn Sơn có lần kể: Các em học sinh của trường rất ngoan. Có những em tranh thủ kỳ nghỉ hè vào các nhà máy, khu công nghiệp làm thêm để kiếm tiền đi học. Nhiều em tích cực phụ giúp gia đình việc đồng áng, ruộng vườn, trông em. Có những em muốn đi học đại học nhưng do hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ ép phải đi làm công nhân. Tiếc công dạy dỗ và sự cần mẫn của trò, thầy hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm đến vận động các gia đình cho con em đi học đại học. Nhờ khơi dậy tinh thần hiếu học, hai năm gần đây, trường Trung học phổ thông Liễn Sơn bứt phá mạnh mẽ về chất lượng giáo dục, được Sở Giáo dục-Đào tạo đánh giá cao.
Những năm qua, huyện Lập Thạch quan tâm đến giáo dục một cách thực chất, ưu tiên đầu tư cả về cơ sở vật chất, con người và cơ chế, chính sách phát triển giáo dục. Các thầy, cô giáo nhận được sự tôn trọng rất cao của cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Tại xã Sơn Đông, nơi có “làng tiến sĩ” Quan Tử nổi tiếng hiếu học, chính quyền đầu tư hơn 28 tỷ đồng để các trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 trong năm học qua. Hội Khuyến học của xã có tới 15 chi hội, 47 Ban khuyến học dòng họ, một Ban khuyến học nhà chùa với tổng số tiền quỹ hàng tỷ đồng.
Chương trình Kết nối vòng tay yêu thương của trường Mầm non Xuân Lôi. |
Dù đất chật người đông, song xã Đồng Ích vẫn dành đất cho các trường học. Vừa qua, xã tăng diện tích trường Mầm non từ 12.500m2 lên 16.590m2; mở rộng diện tích trường Trung học cơ sở từ 12.700m2 lên 19.800m2 và dành tới 17.800m2 cho trường Tiểu học của xã. Tổng kinh phí đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất các trường trong hai năm qua lên đến 90,6 tỷ đồng. Ngày Nhà giáo Việt Nam, nhiều Ủy ban nhân dân xã, thị trấn đứng ra tổ chức lễ kỷ niệm, tri ân thầy cô rất trang trọng.
Đáp lại sự tin tưởng của địa phương, đội ngũ nhà giáo huyện Lập Thạch nỗ lực không ngừng để khẳng định chuyên môn nghề nghiệp, đổi mới sáng tạo trong công tác quản lý và phương pháp dạy học.
Năm học 2022-2023, tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9, huyện Lập Thạch đạt 65 giải, trong đó có 4 giải Nhất, 9 giải Nhì, đứng thứ 4 toàn tỉnh về chất lượng giải. Huyện còn đạt 6 giải Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh; 1 huy chương Bạc, 2 huy chương Đồng, 2 giải Khuyến khích cuộc thi Olympic tiếng Anh trên internet cấp quốc gia.
Để phát huy vai trò của đội ngũ nhà giáo, Lập Thạch thường xuyên rà soát, sắp xếp, luân chuyển, bổ nhiệm và thực hiện biệt phái giáo viên. Năm học qua, huyện thuyên chuyển 40 giáo viên, biệt phái 15 giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên các trường thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Riêng năm học qua, Lập Thạch đã thực hiện 29 chuyên đề bồi dưỡng ở cấp huyện; tổ chức Hội thi Xây dựng môi trường trong lớp học lấy trẻ làm trung tâm ở bậc mầm non; Hội thi Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi bậc Trung học cơ sở. Các cụm sinh hoạt chuyên môn theo cấp học hoạt động hiệu quả, tạo cơ hội cho giáo viên trao đổi kinh nghiệm giảng dạy.
Kinh nghiệm bảo đảm chất lượng của trường Trung học cơ sở Sơn Đông được Hiệu trưởng Lê Thanh Bình chỉ ra là: Trường tổ chức khảo sát chất lượng học sinh vào đầu mỗi năm học; kiên trì quan điểm dạy thật, học thật, kiểm tra, đánh giá đúng chất lượng thật. Hằng tuần, trường dành một buổi bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu. Trường cũng tổ chức các chuyên đề ôn thi vào lớp 10 Trung học phổ thông ở tất cả các bộ môn thi, mời giáo viên cốt cán làm báo cáo viên.
Khen thưởng giáo viên giỏi trường Tiểu học Triệu Đề. |
Còn với trường Tiểu học Triệu Đề, cô Hiệu trưởng Trần Thị Hồng Chuyên cho biết: Mọi hoạt động, phong trào của trường luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương và phụ huynh hết lòng ủng hộ. Nhờ đó, tập thể cán bộ, giáo viên của trường yên tâm tập trung cho chuyên môn.
Bước vào năm học mới 2023-2024, các trường trên địa bàn huyện đều muốn nhanh chóng đổi mới, khẳng định vị trí. Đối với những trường còn thiếu thốn cơ sở vật chất như Tiểu học Triệu Đề, Mầm non Xuân Lôi, cán bộ và giáo viên rất mong muốn sớm có đủ phòng học chức năng, nhà giáo dục thể chất để triển khai đầy đủ các nội dung dạy học.
Năm học này ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Lập Thạch được tiếp thêm sức mạnh khi lãnh đạo huyện khẳng định tiếp tục dành nguồn lực tốt nhất cho giáo dục. Bí thư Huyện ủy Lập Thạch Lê Quang Nghiệp mong muốn: Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với xây dựng nông thôn mới và làng văn hóa kiểu mẫu, bắt nhịp với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tới đây cần có những giải pháp khơi dậy mạnh mẽ tinh thần hiếu học của từng xã, thị trấn, từng gia đình, cá nhân. Huyện sẽ xây dựng lộ trình điều chuyển cán bộ quản lý, giáo viên, xây dựng chính sách thu hút giáo viên giỏi và tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho các trường để đạt chuẩn quốc gia.