Các Ủy viên Hội đồng gồm có đại diện 12 Bộ: Lao động-Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đồng thời, Hội đồng có đại diện các cơ quan, tổ chức là Ủy ban Dân tộc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam.
Các ủy viên phản biện là các chuyên gia theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ, do Chủ tịch Hội đồng quyết định trên cơ sở đề xuất của Cơ quan thường trực của Hội đồng.
Các cơ quan nêu trên có trách nhiệm cử đại diện tham gia Hội đồng, gửi về Cơ quan thường trực của Hội đồng trước ngày 18/12/2021.
Cơ quan thường trực của Hội đồng là Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Trách nhiệm và quyền hạn của Cơ quan thường trực Hội đồng thực hiện theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019.
Hội đồng có nhiệm vụ tổ chức thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Hội đồng hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm; chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Kinh phí hoạt động của Hội đồng thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về ngân sách nhà nước.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng thảo phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu tổng quát là phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận, đa dạng về loại hình, hình thức tổ chức, phân bố hợp lý về cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ, cơ cấu vùng miền, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, có sức cạnh tranh và sáng tạo trong từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Từ đó, tham gia hiệu quả vào thị trường đào tạo nhân lực và thị trường lao động không biên giới và đa văn hóa trong hội nhập quốc tế.
Dự thảo đề xuất, trong giai đoạn 2021-2025, có một số chỉ tiêu cụ thể. Đó là: Giảm số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập 10% so với năm 2020 (Số trường trung cấp giảm 50% so với năm 2020); Phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập lên 40% vào năm 2025; 60% địa phương hình thành trường cao đẳng đa ngành công lập cấp tỉnh từ việc sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành một đơn vị sự nghiệp công lập.
Ở giai đoạn này, có khoảng 70 trường chất lượng cao. Trong đó, 40 trường tương đương trình độ các nước ASEAN-4, 5-7 trường tương đương trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; Hệ thống ngành, nghề trọng điểm quốc gia được hình thành, trong đó 5-10 ngành, nghề, lĩnh vực có năng lực cạnh tranh vượt trội trong ASEAN-4.
Còn trong giai đoạn 2026-2030, giảm 20% số cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020; giảm 100% số trường trung cấp so với năm 2020; phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập lên 45% vào năm 2030.
100% địa phương hình thành trường cao đẳng đa ngành công lập cấp tỉnh từ việc sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành một đơn vị sự nghiệp công lập.
Có khoảng 90 trường chất lượng cao, trong đó 50 trường tương đương trình độ các nước ASEAN-4, 15 trường tương đương trình độ các nước phát triển trong nhóm G20.
Ngành, nghề trọng điểm quốc gia ngày càng hoàn thiện. Trong đó, 15-20 ngành, nghề, lĩnh vực có năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực và thế giới.
Định hướng đến 2045, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội theo hướng mở, tinh gọn, hiệu quả, phân tầng chất lượng, chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa.
Danh mục dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện
+ Giai đoạn 2021-2025, các dự án trọng điểm quốc gia có:
- Dự án xây dựng Trung tâm Quốc gia đào tạo và thực hành nghề tại đồng bằng sông Hồng; Dự án xây dựng Trung tâm Quốc gia đào tạo và thực hành nghề tại Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung; Dự án xây dựng Trung tâm Quốc gia đào tạo và thực hành nghề tại Đông Nam Bộ; Xây dựng 6 trung tâm thực hành vùng tại 6 vùng kinh tế xã hội; Xây dựng hình thành 3 cơ sở giáo dục nghề nghiệp quốc tế.
+ Giai đoạn 2026-2030, các dự án trọng điểm quốc gia có:
Dự án xây dựng Trung tâm Quốc gia đào tạo và thực hành nghề tại trung du miền núi phía bắc; Dự án xây dựng Trung tâm Quốc gia đào tạo và thực hành nghề tại Tây Nguyên; Dự án xây dựng Trung tâm Quốc gia đào tạo và thực hành nghề tại đồng bằng sông Cửu Long; Xây dựng 14 trung tâm thực hành vùng tại 6 vùng kinh tế xã hội; Xây dựng hình thành 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp quốc tế.
(Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045)