Các biện pháp cụ thể như: Xây dựng và thực hiện kế hoạch chi tiêu ngân sách chi tiết, xây dựng kế hoạch thanh toán nợ các dự án đầu tư của Nhà nước; Bộ Tài chính phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng CHDCND Lào trong thời gian thực hiện chương trình quốc gia trung hạn và dài hạn, với việc xác định nguồn vốn thanh toán nợ, đặc biệt là giảm vay từ nước ngoài để thanh toán nợ; xây dựng kế hoạch đầu tư của Nhà nước phù hợp khả năng thực tế của ngân sách Nhà nước và theo pháp luật; giải quyết những tiêu cực trong chi tiêu thường xuyên như thực hiện theo các thủ tục đấu thầu trong mua, thuê và thực hiện tiết kiệm chi tiêu hành chính.
Nâng cao hiệu lực đầu tư Nhà nước bằng việc kiểm tra, đánh giá lại các dự án đầu tư, tập trung nguồn vốn vào các dự án có hiệu quả, dừng các dự án không có hiệu quả. Tập trung thực hiện quản lý tiền ngoại tệ, quản lý tỷ giá hối đoái, quản lý thu tiền mặt và thanh toán qua hệ thống ngân hàng. Khẩn trương cải tổ các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động không hiệu quả và liên tục thiếu vốn bằng việc thay nhân nhân sự điều hành theo hướng có hiệu lực, giảm nợ.
Đẩy mạnh việc kiểm tra, đánh giá lại việc thực hiện các biện pháp về việc thuê, nhượng quyền sử dụng đất theo Nghị quyết của Quốc hội. Nghiên cứu ban hành chính sách và biện pháp giảm bớt nhập khẩu điện từ nước ngoài; tập trung phát triển dự án điện có chất lượng, bền vững như các dự án thủy điện có hồ chứa nước lớn, dự án điện gió, điện mặt trời… đi kèm với việc phát triển hệ thống truyền tải điện quốc gia có thể bao quát được cả nước.
Thí điểm thực hiện chính sách mới về việc khai thác quặng sắt với việc xác định diện tích và vị trí đặt nhà máy một cách cụ thể, sau khi hoàn thành thí điểm thực hiện trong ba năm sẽ tổng hợp. Thúc đẩy sản xuất trong nước để thay thế nhập khẩu và trở thành hàng hóa xuất khẩu theo hành lang kinh tế để kết nối trong nước và khu vực, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp có thế mạnh và có thị trường; khôi phục và cải tạo cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp; nâng cấp các trung tâm nghiên cứu và trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp để cung ứng cây, con giống và kỹ thuật cho người dân.
Về chính sách và quy định pháp luật, Lào sẽ khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và điều chỉnh các quy định pháp luật và các văn bản dưới luật gắn liền với chương trình quốc gia để cho phù hợp, đặc biệt là Luật ngân sách, Luật quản lý nợ công, Luật tài sản Nhà nước, Luật xúc tiến đầu tư, Luật khoáng sản, Luật thuế đất, tài sản, Luật thuế môi trường và các luật khác để hoàn thành trước năm 2023. Quy định chính sách khuyến khích các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp vừa và nhỏ và tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển, có doanh thu ổn định theo hướng chuyển đổi từ xã hội tiêu dùng sang xã hội sản xuất.
Giải quyết vấn đề thất nghiệp, đặc biệt là việc tạo công ăn việc làm cho sinh viên tốt nghiệp, lao động trong nước và lao động trở về từ nước ngoài trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát bằng việc xúc tiến phát triển tay nghề lao động theo nhu cầu của thị trường lao động trong tình hình mới.
Tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội Lào khóa IX diễn ra mới đây, Quốc hội Lào đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện Chương trình quốc gia giải quyết khó khăn về kinh tế - tài chính. Trong đó, mục tiêu trước mắt đến năm 2023 phấn đấu nợ công không vượt quá 64,2% GDP (nợ nước ngoài không vượt quá 55,3% GDP và nợ trong nước không vượt quá 8,9% GDP), dự trữ ngoại tệ có thể bảo đảm nhập khẩu hàng hóa từ 3 tháng trở lên, giảm chênh lệch tỷ giá ngoại tệ giữa giá niêm yết và thị trường tự do không vượt quá 2% và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 3%. Đây là những vấn đề Lào đặc biệt coi trọng, tập trung giải quyết và phấn đấu thực hiện được mục tiêu đề ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế của nước này.