Mới đây, phát biểu tại hội nghị thảo luận về việc triển khai thông báo của Văn phòng Phủ Thủ tướng Lào để thúc đẩy công nghiệp chế biến nhằm phục vụ nhu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, Thứ trưởng Nông lâm Lào Thongphat Vongmany cho biết, việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, chế biến thành hàng hóa mà Lào có tiềm năng, có thị trường tiếp nhận để xuất khẩu, tăng nguồn thu ngoại tệ, phấn đấu đến năm 2023 sẽ xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp mỗi năm khoảng 1,2 tỷ USD.
Thứ trưởng Thongphat Vongmany cho biết thêm, Bộ Nông lâm Lào đặt mục tiêu mỗi năm giá trị xuất khẩu hàng hóa từ trồng trọt của Lào đạt khoảng 1,1 tỷ USD và giá trị xuất khẩu hàng hóa từ chăn nuôi đạt khoảng 100 triệu USD, tập trung vào các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh, có thị trường tiếp nhận.
Các mục tiêu cụ thể Lào đưa ra gồm: xuất khẩu cà-phê đạt 175.500 tấn mỗi năm, đến năm 2023 phấn đấu đạt 500.000 tấn, tập trung ở các khu vực cao nguyên, tỉnh Phongsaly, tỉnh Xiengkhouang, tỉnh Houaphanh; xuất khẩu ngô đạt 636 nghìn tấn mỗi năm, đến năm 2023 phấn đấu tổng sản lượng xuất khẩu đạt 1,8 triệu tấn, tập trung ở các tỉnh phía bắc, đặc biệt là tỉnh Xayaburi, Oudomxay, Xiengkhouang, Houaphanh…; mục tiêu sản xuất để phục vụ cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước, còn lại phục vụ xuất khẩu sang Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam; xuất khẩu sắn đạt 3,6 triệu tấn mỗi năm, đến nay đã thực hiện được 1,1 triệu tấn, với tổng giá trị 146 triệu USD, đến năm 2023 phấn đấu đạt tổng sản lượng 9,7 triệu tấn, tập trung ở các tỉnh Xayaburi, Salavan, Champasak, Savannakhet, Bolikhamxay….
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Bộ Nông lâm Lào đã xác định công tác trọng tâm như: Đối với hàng hóa nông nghiệp đã có hợp đồng, ký kết tiêu chuẩn kiểm dịch động vật, thực vật với các đối tác thương mại (đã ký với Trung Quốc danh mục 13 loại thực vật, 1 loại gia súc lớn; ký với Việt Nam danh mục 16 loại thực vật; ký với Thái Lan danh mục 15 loại thực vật) cần tiếp tục thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài nước nhiều hơn nữa dưới nhiều hình thức như đầu tư kết hợp nhà nước-tư nhân, nhà kinh doanh, nhà sản xuất hợp đồng theo hình thức 2+3, hình thức thuê hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Nhà nước; khẩn trương cải thiện và phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất, kỹ thuật để giảm nguồn vốn sản xuất như xưởng sấy, xưởng phân loại hạt, kho lạnh, thị trường bán buôn, bán lẻ; cải tạo và quản lý 15.129 công trình thủy lợi hiện có trên cả nước để có thể cung cấp nước cho các diện tích sản xuất nông nghiệp cả hai mùa trong năm.
Bộ Nông lâm Lào cũng xác định cần khẩn trương phân bổ các ưu tiên và xác định khu vực đầu tư nông nghiệp hàng hóa, tập trung dọc theo tuyến đường sắt Lào-Trung và các tỉnh đã có cơ sở sản xuất, tập trung nguồn vốn của các dự án hợp tác từ Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới cùng các nguồn vốn khác; tiếp tục phân bổ đất nông nghiệp tại các khu vực trên cả nước với diện tích 4,5 triệu ha để bảo đảm đủ diện tích đất sản xuất nông nghiệp, phù hợp với môi trường của cây lúa, các loại thực vật, cây ăn quả, chăn nuôi, nhằm đáp ứng các hình thức đầu tư nhỏ, vừa và đầu tư lớn; đồng thời, điều chỉnh và khuyến khích tổ chức lực lượng sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, bắt đầu từ việc ưu tiên hàng hóa và kinh tế hợp tác dưới hình thức tổ chức lực lượng sản xuất để tạo thuận lợi trong việc thúc đẩy tăng cường tiếp cận nguồn vốn, các thông tin về thị trường dễ dàng hơn; tổ chức sản xuất và phân phối hàng hóa bảo đảm lợi nhuận bình đẳng cho các nhóm sản xuất và cho xã hội.
Hiện nay, trên cả nước Lào có khoảng 4.784 nhóm sản xuất nông nghiệp, 26 hợp tác xã, 8 hiệp hội và mạng lưới người nông dân sản xuất nông nghiệp làm hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, xuất khẩu, đặc biệt, phấn đấu đạt chỉ tiêu xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp đạt 1,2 tỷ USD mỗi năm.