Lào Cai có thêm ba nghệ nhân dân gian

Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam vừa có quyết định phong tặng danh hiệu các nghệ nhân dân gian và tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hóa văn nghệ dân gian Việt Nam tặng các nghệ nhân đã có nhiều cống hiến trong gìn giữ và phát huy văn hóa văn nghệ dân gian dân tộc.
Bà Nguyễn Thị San (ngoài cùng bên trái) và bà Hoàng Thị Huyền (ngoài cùng bên phải) biểu diễn hát then. (Ảnh NGỌC THANH)
Bà Nguyễn Thị San (ngoài cùng bên trái) và bà Hoàng Thị Huyền (ngoài cùng bên phải) biểu diễn hát then. (Ảnh NGỌC THANH)

Trong đợt phong tặng lần này, tỉnh Lào Cai có ba nghệ nhân được Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, gồm: bà Nguyễn Thị San, sinh năm 1961, dân tộc Tày, với lĩnh vực: thực hành và truyền dạy dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Tày; ông Lương Văn Giang, sinh năm 1964, dân tộc Tày, với lĩnh vực: thực hành và truyền dạy Nghi lễ Then Tày; bà Hoàng Thị Huyền, sinh năm 1968, dân tộc Tày, với lĩnh vực: thực hành và truyền dạy hát Then - đàn tính.

Phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh ở Lạng Sơn

Ngày 17/8, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 865/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn, Việt Nam)-Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).

Đề án tập trung xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh tại các khu vực mốc 1119-1120 và 1088/2-1089, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần phát triển Lạng Sơn thành trung tâm kinh tế cửa khẩu quan trọng của Việt Nam và ASEAN. Mục tiêu đến năm 2027, năng lực thông quan tại các khu vực này sẽ tăng gấp 2-3 lần và đến năm 2030 tăng gấp 4-5 lần so với hiện tại.

Đề án bắt đầu triển khai từ quý III/2024 đến hết quý III/2029. Trong giai đoạn 2 (từ quý III/2026 đến hết quý III/2029) sẽ triển khai vận hành thí điểm cửa khẩu thông minh.

Phú Thọ chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ vừa ban hành Văn bản số 1149/SGD&ĐT-TTr về việc chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm.

Theo đó, sở yêu cầu các cơ sở giáo dục không ép học sinh học thêm dưới mọi hình thức, tuyệt đối không tổ chức dạy thêm đối với học sinh học hai buổi/ngày, học sinh tiểu học (trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống); kịp thời ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt theo trách nhiệm quản lý, thường xuyên theo dõi, nắm bắt và quản lý cán bộ, giáo viên của đơn vị tham gia dạy thêm trong và ngoài nhà trường.

Hơn 255 nghìn hộ được vay vốn tín dụng chính sách xã hội

Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, doanh số cho vay tại Hà Giang đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng với hơn 255 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách khác được vay vốn.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ hơn 69 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 30 nghìn lao động; xây dựng được 1.268 nhà ở cho hộ nghèo và hơn 57 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn bảo đảm tiêu chuẩn; gần 50 nghìn gia đình tại vùng khó khăn được vay vốn sản xuất, kinh doanh.

Phát hiện cơ sở kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ

Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 - Cục QLTT tỉnh Bắc Giang vừa tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh H.T có địa chỉ tại phường Trần Phú (TP Bắc Giang), do bà H.T.T (sinh năm 1987) trú tại phường Trần Phú làm chủ. Qua kiểm tra cơ sở kinh doanh phát hiện hơn 1.500 đơn vị sản phẩm gồm bánh Trung thu, bánh mì, bánh Mochi...

Quá trình làm việc, bà H.T.T thừa nhận toàn bộ số hàng hóa nêu trên do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ được mua trôi nổi trên thị trường để bán kiếm lời.

Tổ công tác đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định pháp luật.

Tiêu hủy hơn 200 sản phẩm hàng hóa nhập lậu

Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên) vừa tiến hành tiêu hủy hơn 200 sản phẩm hàng hóa là hàng nhập lậu, gồm các loại thực phẩm chức năng và thực phẩm bao gói sẵn, như: nước uống bổ sung collagen, bổ sung DHA, vitamin..., không rõ nguồn gốc xuất xứ, tổng giá trị số hàng tiêu hủy là hơn 38 triệu đồng. Số hàng này là của hộ kinh doanh N.T.P, ở Tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (TP Thái Nguyên).

Ngày 14/8, Cục Quản lý thị trường tỉnh ra quyết định xử phạt số tiền 30 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm. Tính riêng trong tháng 7, Đội Quản lý thị trường số 2 đã xử lý 18 vụ, với tổng số tiền thu phạt, trị giá hàng hóa bán nộp ngân sách, hàng tiêu hủy là gần 600 triệu đồng.

Lào Cai có thêm ba nghệ nhân dân gian ảnh 1
Lực lượng chức năng quyết định xử phạt số tiền 30 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm. (Ảnh CHUNG AN)