Lào Cai có hơn 4.000 ha trồng cây dược liệu

Theo số liệu thống kế của cơ quan chuyên ngành, đến hết năm 2023, tổng diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai đạt 4.105 ha, gồm: Cây dược liệu hằng năm 890 ha (atiso, đương quy, cát cánh, chùa dù, tía tô, cỏ ngọt…) và cây dược liệu lâu năm 3.215 ha (sa nhân tím, chè dây, giảo cổ lam, hồi, đại bi, khôi nhung...).
0:00 / 0:00
0:00
Một vườn dược liệu tam thất bắc tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.
Một vườn dược liệu tam thất bắc tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Tổng sản lượng thu hoạch 19.000 tấn, trong đó sản lượng cây hằng năm 8.700 tấn, cây lâu năm 10.300 tấn, giá trị đạt hơn 400 tỷ đồng. Giá trị thu nhập bình quân từ sản xuất cây dược liệu đạt 120-150 triệu/ha, hiệu quả kinh tế cao gấp 4-5 lần so với sản xuất lương thực. Toàn tỉnh có 157 ha/11 loại cây dược liệu trồng đã được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên GACP.

Xử phạt hơn năm tỷ đồng từ vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại tỉnh Phú Thọ, trong ba tháng đầu năm nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 320 vụ vi phạm, trong đó có 267 vụ gian lận thương mại thuế; 44 vụ buôn bán trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu; chín vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ. Số tiền nộp thu ngân sách nhà nước là hơn năm tỷ đồng; tiến hành khởi tố 25 vụ, 114 bị can, tăng 14 vụ so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, các lực lượng chức năng còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện ký cam kết với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu đối với 260 cửa hàng trên địa bàn toàn tỉnh.

Hơn 22.000 lượt người được truyền thông về dân số-kế hoạch hóa gia đình

Theo Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh Lạng Sơn, trong quý I/2024, Chi cục, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đã ban hành hơn 90 văn bản phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai đầy đủ, các nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong năm 2024. Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng các văn bản hướng dẫn, kế hoạch cụ thể triển khai các nhiệm vụ trong công tác Dân số-KHHGĐ năm 2024 đến các xã, phường, thị trấn trên địa bàn quản lý. Trong quý I, toàn tỉnh tổ chức truyền thông lồng ghép các kiến thức cho hơn 22.000 lượt người, trong đó truyền thông tại hội nghị, giao ban được 181 buổi cho hơn 11.300 lượt người; lồng ghép với các hoạt động cung cấp dịch vụ tại trạm y tế được 325 buổi với hơn 10.700 người tham gia; sàng lọc trước sinh được 2.021 ca; sàng lọc sơ sinh được 1.115 mẫu, trong đó sàng lọc theo cơ chế xã hội hóa 1.080 mẫu, sàng lọc miễn phí 35 mẫu...

Hỗ trợ 800 triệu đồng cho các xóm vùng đệm rừng đặc dụng

Năm 2024, huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) có 20 xóm thuộc vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng được hỗ trợ với tổng số tiền 800 triệu đồng. Theo đó, mỗi xóm sẽ được hỗ trợ 40 triệu đồng để triển khai các nội dung: Nâng cao năng lực phát triển sản xuất (khuyến nông, khuyến lâm, giống cây, con, thiết bị chế biến nông, lâm sản quy mô nhỏ); hỗ trợ vật liệu xây dựng để xây dựng các công trình công cộng của xóm (nước sạch, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, đường giao thông, nhà văn hóa)... Thông qua việc hỗ trợ, huyện hướng tới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng; cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Văn Chấn đạt 76,4% kế hoạch trồng rừng của năm

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn (Yên Bái) phấn đấu trồng rừng mới 3.100 ha, đến nay đã trồng được 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch. Trong đó, Công ty Lâm nghiệp Ngòi Lao trồng 56,8 ha keo, đạt 100% kế hoạch; trồng rừng theo Đề án tre Bát độ 93 ha, đạt 100% kế hoạch; người dân tự bỏ vốn trồng 2.220,4 ha, chủ yếu là quế, bồ đề, keo, bạch đàn.... Để hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2024, trong thời gian tới, UBND huyện chỉ đạo Hạt Kiểm lâm tiếp tục phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường trồng rừng sản xuất theo phương châm: Trồng hết diện tích, trồng phân tán kết hợp với trồng tập trung, trồng bảo đảm kỹ thuật, khai thác đến đâu, trồng mới đến đó; kết hợp trồng rừng với khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ rừng.

Lào Cai có hơn 4.000 ha trồng cây dược liệu ảnh 1

Người dân xã Đông Lợi (Sơn Dương) phát triển chăn nuôi dê sinh sản.

(Ảnh Đoàn Thư)

Hỗ trợ Sơn Dương xây dựng nông thôn mới

Theo báo cáo của Ban vận động hỗ trợ nguồn lực thực hiện Đề án xây dựng huyện Sơn Dương (tỉnh Tuyên Quang) xây dựng nông thôn mới, đến 20/3, đã có 15 cơ quan, đơn vị có văn bản cam kết tài trợ, hỗ trợ cho huyện để xây dựng nông thôn mới, với tổng kinh phí 802,2 tỷ đồng. Hiện đã có năm đơn vị chuyển kinh phí tài trợ, với số tiền 441,6 tỷ đồng. Các đơn vị hỗ trợ gồm: Agribank 12,9 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam năm tỷ đồng; Tổng công ty Xi măng Việt Nam hỗ trợ 1.794 tấn xi-măng cho 10 xã, tương đương ba tỷ đồng; Tổng công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng 168 Việt Nam hỗ trợ một tỷ đồng… Nguồn kinh phí hỗ trợ được huyện bố trí đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng bao gồm: Đường giao thông, trường học, trạm y tế, chợ nông thôn, hỗ trợ sửa chữa và xây mới nhà ở cho hộ nghèo và thực hiện các dự án phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn…