Từ năm 2018, Trung Quốc yêu cầu các nông sản xuất khẩu chính ngạch từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc phải đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và phải được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Nắm bắt được những thay đổi của thị trường Trung Quốc, nhằm thúc đẩy hàng hóa nông sản chủ lực xuất khẩu, Lạng Sơn đã rất quan tâm đến việc xây dựng, phát triển mã số vùng trồng nông sản phục vụ xuất khẩu.
Phó Chi Cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lạng Sơn Sầm Ngọc Thanh cho biết: Ngay từ năm 2020 đến nay, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã cấp 178 mã số vùng trồng nông sản xuất khẩu, với diện tích gần 900 ha, trong đó chủ yếu là vùng trồng thạch đen và ớt cay; 13 mã số cơ sở đóng gói thạch đen; tiến hành tập huấn, nâng cao nhận thức cho gần 10.000 lượt người về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Nhìn chung, đã cơ bản bảo đảm các điều kiện kỹ thuật để xuất khẩu hàng hóa nông sản sang thị trường Trung Quốc.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế của các loại nông sản, nhất là những loại nông sản đặc sản đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nước nhập khẩu, những năm gần đây, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã phối hợp ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản đối với các sản phẩm nông sản chủ lực nhằm đáp ứng các điều kiện cấp mã số vùng trồng.
Đồng thời, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng. Việc xây dựng mã số vùng trồng đã giúp thay đổi nhận thức của nông dân trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từng bước tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Từ đó, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường các nước nhập khẩu, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Huyện Tràng Định hiện có 140 mã số vùng trồng thạch đen, với diện tích hơn 660 ha. Để giám sát chặt chẽ mã số vùng trồng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện thường xuyên cử cán bộ chuyên trách hướng dẫn người dân trồng thạch đen, đặc biệt là những hộ có vùng trồng thạch đã được cấp mã số không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép trong quá trình chăm sóc... Công tác giám sát, quản lý duy trì mã số vùng trồng đã góp phần giúp nông dân làm quen với việc lập và lưu lại hồ sơ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm. Qua đó, góp phần thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông sản của tỉnh.
Mặc dù việc xây dựng và cấp mã số vùng trồng đối với một số cây trồng của tỉnh đã đạt một số kết quả, song quá trình triển khai việc duy trì mã số vùng trồng vẫn còn gặp những khó khăn nhất định như: Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ; chưa đồng nhất trong từng vùng trồng; nhận thức của người sản xuất về mã số vùng trồng và lợi ích của nó mang lại cũng còn hạn chế. Cụ thể là một số vùng trồng thạch tại huyện Tràng Định sau khi được cấp mã số nhưng mỗi hộ một cách chăm bón khác nhau nên chất lượng sản phẩm không đồng đều, dẫn đến không bảo đảm tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Từ thực tế này cho thấy, sau khi thực hiện cấp mã số vùng trồng, công tác quản lý mã số vùng trồng cũng cần được tăng cường hơn nữa.
Để xuất khẩu sang được thị trường Trung Quốc, các sản phẩm nông sản của Lạng Sơn như: Thạch đen, ớt cay... phải bảo đảm truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm theo đúng Lệnh 248 (Quy định về quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu) và Lệnh 249 (Quy định về biện pháp an toàn thực phẩm xuất, nhập khẩu) của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Để sản phẩm bảo đảm các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu trong quá trình chăm sóc, nông dân cần chú ý không để có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn cho biết: Để bảo đảm các tiêu chí về an toàn thực phẩm, sau khi thu hoạch, người dân không được để lẫn sản phẩm chuẩn bị xuất khẩu với những sản phẩm nông sản khác... Vì vậy, mã số vùng trồng có vai trò rất quan trọng, là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc nông sản và là điều kiện bắt buộc cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu.