Lạng Sơn nỗ lực xóa đói, giảm nghèo

Tại Lạng Sơn, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm hơn 83%, sinh sống chủ yếu ở địa bàn nông thôn, miền núi biên giới, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân ở xã Lâm Ca, Ðình Lập (Lạng Sơn), đưa cây chè vào trồng, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Người dân ở xã Lâm Ca, Ðình Lập (Lạng Sơn), đưa cây chè vào trồng, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Anh Nguyễn Văn Sĩ, thôn Cầu Hin, xã Tân Hương, huyện Bắc Sơn cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, thiếu vốn sản xuất nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Tháng 6/2023, gia đình được cán bộ Hội Nông dân xã và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hướng dẫn làm hồ sơ vay 90 triệu đồng để chuyển đổi nghề, phát triển chăn nuôi bò. Nhờ được vay vốn với lãi suất ưu đãi 3,3%/năm nên gia đình tôi rất phấn khởi, yên tâm làm ăn để vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, gia đình tôi đã mua được năm con bò sinh sản, đàn bò sinh trưởng và phát triển tốt”.

Bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: Sau hơn một năm triển khai chương trình cho vay chuyển đổi nghề theo Nghị định 28-NÐ/CP của Chính phủ, nhiều người dân là hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư sản xuất, có thêm điều kiện phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ðể nguồn vốn nhanh chóng đến đối tượng thụ hưởng, chi nhánh đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn các huyện rà soát đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng, đồng thời tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách đến các cấp, ngành và người dân biết để thực hiện và tiếp cận nguồn vốn bảo đảm công khai, minh bạch. Chi nhánh đã chỉ đạo sát sao phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện, phối hợp với các phòng, ban chuyên môn tham mưu Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt danh sách chi tiết hộ gia đình được hưởng chính sách vay vốn làm cơ sở triển khai cho vay theo quy định.

Ðặc biệt, thực hiện tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo, trong năm qua, đã có hơn 5.600 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; tạo việc làm cho hơn 4.100 lao động; hơn 8.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn được xây mới, sửa chữa cải tạo từ nguồn vốn tín dụng chính sách; hơn 2.700 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn được vay vốn. Nguồn vốn vay đã giúp người nghèo, các đối tượng chính sách khác có vốn đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm; cải tạo, chăm sóc và trồng rừng, cây ăn quả…

Ông Lâm Văn Viên, Phó ban Dân tộc tỉnh khẳng định: Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 11 xã khu vực III thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023 giảm khoảng 2,9%; hơn 96% xã có đường ô-tô đến trung tâm xã được cứng hóa trải nhựa, bê-tông hóa; hơn 99% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác; 81% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 96% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình; 98% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được đào tạo…

Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã ban hành các cơ chế, chính sách, dự án hỗ trợ công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, như: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số; hỗ trợ tiền điện, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cứu đói giáp hạt… góp phần giúp người nghèo ổn định cuộc sống, yên tâm đẩy mạnh sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo.

Nhận định rõ những hạn chế, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giảm nghèo, năm 2024 tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, chương trình, dự án, hoạt động về giảm nghèo, động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo về kiến thức trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên, không trông chờ, ỷ lại. Tỉnh cũng sẽ đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo.