Lạng Sơn đưa nghị quyết vào cuộc sống

Những năm qua, các địa phương trong tỉnh Lạng Sơn đã chú trọng xây dựng và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân ở xã Gia Cát, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn), thu hái ớt xuất khẩu.
Nông dân ở xã Gia Cát, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn), thu hái ớt xuất khẩu.

Nhờ đó đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp như: vùng hồi (Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng, Chi Lăng); vùng trồng thạch đen (Tràng Ðịnh, Bình Gia, Văn Lãng); vùng trồng ớt (Chi Lăng, Cao Lộc)..., với tổng diện tích hàng trăm nghìn héc-ta.

Ông Lã Văn Lâm, thôn Kéo Cặp, xã Hòa Cư (Cao Lộc) chia sẻ: Gia đình tôi đã trồng và phát triển cây hồng Bảo Lâm từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, trước đây, việc tiêu thụ hồng gặp khó do chưa có đầu ra ổn định. Từ năm 2020, nhờ Công ty Transtech Lạng Sơn liên kết thu mua sản phẩm hồng của gia đình có đầu ra ổn định, từ đó, tôi đầu tư mở rộng diện tích trồng. Ðến nay, gia đình có hơn 800 cây hồng, trong đó có 600 cây đã cho thu hoạch. Sản lượng hằng năm đạt từ 10 đến 13 tấn, mang lại thu nhập gần 250 triệu đồng.

Thông qua các mô hình liên kết đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực, kinh nghiệm đầu tư vào nông nghiệp tạo ra vùng nguyên liệu, hàng hóa tập trung, có quy mô lớn, gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích các doanh nghiệp "hạt nhân" đảm nhiệm những công đoạn mà hộ sản xuất không làm được hoặc làm không hiệu quả, như: Cung cấp giống, vật tư nông nghiệp đạt chất lượng cao; thu gom, bảo quản, sơ chế, chế biến nông sản; xử lý vệ sinh môi trường; hướng dẫn, phổ biến khoa học, kỹ thuật trong sản xuất…

Theo ông Lương Thành Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng, hiện nay, huyện đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như: Vùng ớt diện tích khoảng 700 ha, sản lượng hơn 6.300 tấn/năm; vùng na diện tích hơn 2.600 ha, sản lượng ước hơn 21.000 tấn/năm; vùng cây ăn quả có múi quy mô hơn 558 ha, sản lượng hơn 2.200 tấn/năm… Ðặc biệt, toàn huyện đã xây dựng được năm chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm: na, khoai tây, hồi, thuốc lá... Qua đó, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm, góp phần nâng giá trị sản xuất nông nghiệp. Riêng năm 2023, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt 1.954 tỷ đồng (tăng 116 tỷ đồng so với năm 2022).

Ðể đạt được kết quả nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TU về xây dựng và phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2020-2030. Trong đó, tỉnh đưa ra hai mục tiêu, đó là, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung đủ lớn về quy mô diện tích, sản lượng, phù hợp quy hoạch, tiềm năng, lợi thế, điều kiện tự nhiên và xã hội của tỉnh; khuyến khích phát triển các sản phẩm có tính đặc trưng của từng vùng là cơ sở quan trọng để thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất, sơ chế, chế biến tiêu thụ và quảng bá xây dựng thương hiệu sản phẩm một cách lâu dài, bền vững, có hiệu quả.

Cùng với đó, tỉnh tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh, tạo ra các sản phẩm chất lượng, có thương hiệu đáp ứng tiêu chuẩn, thị trường trong nước và quốc tế. Không những vậy, Nghị quyết số 06 yêu cầu chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống trong nông nghiệp sang các mô hình sản xuất quy mô lớn, như: Trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp,... mở rộng các vùng sản xuất tập trung, hình thành một số mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết số 06, các cấp chính quyền của Lạng Sơn đã xây dựng nhiều mô hình liên kết sản xuất rau các loại theo chuỗi giá trị tại thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc; mô hình liên kết theo tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm quả na tại huyện Chi Lăng, Hữu Lũng; xây dựng vùng nguyên liệu và chế biến nhựa thông tại các huyện Ðình Lập, Lộc Bình; phát triển các sản phẩm từ cây hồi tại các huyện Văn Quan, Bình Gia,...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lý Việt Hưng cho biết: Việc thực hiện Nghị quyết số 06 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã góp phần gia tăng tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp ngày càng bền vững hơn. Cụ thể, năm 2023, tốc độ tăng trưởng ngành đạt 6,55%, cao nhất trong 5 năm gần đây. Các sản phẩm nông nghiệp dần khẳng định thương hiệu, thị trường tiêu thụ rộng mở, đem lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần nâng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người của tỉnh đạt 50,8 triệu đồng năm 2023 (tăng 8,08 triệu đồng so với năm 2022).

Ðể tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu Nghị quyết số 06 đề ra, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai tốt các chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; nghiên cứu, đề xuất, triển khai thực hiện các giải pháp xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp, trong đó, lựa chọn xây dựng chuỗi liên kết có quy mô tập trung, có sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác với hình thức liên kết chặt chẽ.

Ðồng thời, Sở đẩy mạnh việc chủ động sản xuất, nghiên cứu các sản phẩm có thế mạnh, chủ lực, hình thành các sản phẩm chế biến sâu, đa dạng, tham gia tiếp cận chương trình OCOP nhằm nâng cao thương hiệu, giá trị cho sản phẩm nông nghiệp. Việc thực hiện Nghị quyết số 06 còn là nền tảng quan trọng để cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, góp phần nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.