Những ngày đầu xuân, tại vùng trồng rau sạch lớn nhất Ðà Nẵng, nông dân tập trung nguồn nhân lực, xuống đồng lao động sản xuất với hy vọng một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu; đây cũng là thời điểm người trồng rau xuống giống cho vụ mới. Không khí sản xuất tất bật và rộn ràng tại vùng sản xuất rau an toàn La Hường bắt đầu từ sáng sớm tinh mơ, khi các chủ thu mua rau quả tại chợ trực tiếp đến vườn vận chuyển đưa về các chợ lớn trên địa bàn thành phố. Thời điểm này, thời tiết Ðà Nẵng thuận lợi để người dân làm đất, trỉa hạt.
Có hàng chục năm canh tác rau ở La Hường, bà Phan Thị Châu (phường Hòa Thọ Ðông, quận Cẩm Lệ) cho biết, người dân ở đây chủ yếu trồng rau, củ theo thời vụ. Trong đó, vụ chính là từ tháng Chạp, tháng Giêng và tháng Hai, đây cũng là thời điểm thời tiết thuận lợi nhất đối với người trồng rau. Nguồn nước tưới tiêu thuận lợi, đất tơi xốp, cây trồng tăng trưởng nhanh, ít sâu bọ.
Một năm các hộ dân trồng rau ở đây chỉ trông chờ vào vụ rau phục vụ Tết Nguyên đán và ba tháng đầu xuân. “Ðây là mùa chính vụ của rau La Hường. Mấy luống rau súp lơ xanh này của gia đình tôi, thu hoạch tính cây/luống, trừ đi tỷ lệ hao hụt thì số lượng cây/luống thu hoạch được khoảng 70-80%. Ra Tết, thời tiết thuận lợi, cây trồng phát triển, năng suất thu hoạch cao, bù lại cho những tháng khác”, bà Châu nói.
Ðể tiếp tục canh tác, ngay khi thu hoạch rau súp lơ xanh, gia đình bà Châu tiếp tục xuống giống mới. Việc chăm sóc vườn rau được tranh thủ vào sáng sớm và chiều muộn, vừa thu hoạch, tưới nước và làm luống mới.
Là một trong những hộ dân có diện tích canh tác lớn trong làng rau La Hường với gần 4.000 m2 đất canh tác các loại rau, bầu, bí, cải... theo mùa, hộ gia đình ông Mai Văn Phu (phường Hòa Thọ Ðông, quận Cẩm Lệ) cho hay, dịp Tết vừa rồi thắng lớn, rau lên xanh bán không kịp. Trong vụ rau vừa qua, các loại rau, củ ngắn ngày của gia đình ông đều “được mùa, được giá”, giúp ông có thêm thu nhập trang trải cho gia đình trong dịp Tết. Ðể phục vụ nhu cầu của thị trường sau Tết, ông Phu tập trung trồng các loại rau ngắn ngày như bí đao, cà chua, xà lách, mướp...
Ông Phu cho biết: “Mỗi mùa trồng mỗi loại cây phù hợp. Ra Tết là thời điểm thuận lợi nhất để trồng cây và thu hoạch cho nên ai cũng phấn khởi ra đồng sản xuất. Rau từ đây cung cấp cho khắp các chợ trên địa bàn thành phố. Ngày cũng kiếm được hơn 1 triệu đồng, bù lại cho các tháng thời tiết không thuận lợi, nguồn nước nhiễm phèn, nhiễm mặn. Tôi chỉ mong năm mới, thời tiết thuận lợi để nông dân bám đất sản xuất”.
Vùng trồng rau La Hường có diện tích khoảng 7 ha với 50 hộ dân tham gia sản xuất. Làng rau này trồng các loại rau ăn lá và rau ăn quả, như rau muống, dền, mồng tơi, cải xanh, cải ngọt, ớt, rau lang, bí ngọn, bó xôi, đậu bắp, mướp, rau quế, rau ngót, khổ qua. Các loại rau, củ nơi đây cung cấp cho hầu hết các chợ và siêu thị trên địa bàn thành phố Ðà Nẵng. Làng rau này trồng được một vụ chính/năm, vụ hè thì nguồn nước tưới nhiễm phèn, mặn, trong khi đó vụ tháng 9, tháng 10 thường rơi vào thời điểm mưa lũ…
Theo ông Trần Văn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất rau an toàn La Hường - Cẩm Lệ cho biết: Hiện doanh thu của xã viên trong hợp tác xã đạt bình quân khoảng 800 triệu đồng/ha/năm. Ở làng rau La Hường, có rất nhiều hộ sản xuất giỏi, lợi nhuận trung bình khoảng 10 triệu đồng/tháng. Hiện, hợp tác xã đã đưa sản phẩm tham gia nhiều hội chợ, bán cho các đại lý để cung ứng cho các trường học, khu công nghiệp; phối hợp với các trường tổ chức cho học sinh tham quan vườn rau miễn phí.
Ðối với vụ lúa đông xuân, tình hình phát triển sản xuất vẫn ổn định. Nông dân ra đồng kiểm tra, chăm sóc thường xuyên, kể cả trong những ngày Tết. Vụ này, cơ cấu giống chủ yếu là các giống trung, ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng tốt, thích nghi với điều kiện sinh thái của Ðà Nẵng.
Ðể bảo đảm lượng rau cung ứng trên địa bàn thành phố, hợp tác xã khuyến cáo nông dân trong vùng tập trung trồng các loại rau, củ, quả phù hợp, nhất là rau ngắn ngày, kịp thời phục vụ nhu cầu cho người dân.