Nằm dọc theo bờ nam, hạ lưu dòng sông Hương, làng Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là nơi nổi tiếng với nghề làm hoa giấy độc đáo, đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2013. Sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên đã góp mặt tại các lễ hội Festival Huế, lễ hội Festival làng nghề, lễ hội áo dài, cung đình, các sự kiện văn hóa... thậm chí xuất khẩu sang nhiều nước.
Nghề làm hoa giấy ở Thanh Tiên vốn xuất phát từ tín ngưỡng thờ cúng dân gian của người Huế. Nhưng xứ Huế khí hậu vốn khắc nghiệt, lúc nắng Lào như đổ lửa, lúc mưa dầm thối đất thối cát, hoa tươi thờ cúng thường không giữ được lâu. Người dân làng Thanh Tiên đã sáng tạo ra hoa giấy, trước thờ cúng gia tiên, thần linh, sau trang trí nhà cửa đón Tết. Dần dà qua năm tháng đã phát triển thành làng nghề làm hoa giấy nổi tiếng đất cố đô, không còn là sản phẩm "của riêng" làng nhỏ ven sông nữa mà đã lan tỏa thành thứ văn hóa tinh thần của toàn bộ kinh thành, nhân dân Huế, đặc biệt vào mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Ngày nay, hoa giấy không chỉ đơn thuần phục vụ cúng bái, người làng Thanh Tiên đã làm hoa giấy cả năm, từ nhu cầu trang trí nhà cửa, cắm bình hoa giấy đẹp như hoa tươi mà bền hơn hẳn, các khách sạn đặt hàng tô điểm cho phòng ngủ, phòng ăn, đại sảnh... các lễ hội Festival, xuất khẩu... thậm chí còn là vật cầm tay của các thiếu nữ tô điểm cho áo dài - vốn cũng là một biểu tượng văn hóa khác của Huế.
Từ trung tâm thành phố qua chợ Đông Ba rẽ trái xuôi theo đường Huỳnh Thúc Kháng 5km là đến địa phận phố cổ Bao Vinh, thương cảng sầm uất năm xưa. Tại đây bắt thêm một chuyến đò chở cả người cả xe sang bờ bên kia đã là đất làng Tiên Nộn. Người dân ở đây vẫn gọi chuyến đò nối Bao Vinh - Tiên Nộn là chuyến đò ngang, bởi đò chỉ chạy "ngang" đưa người từ phố cổ sang làng Sình, làng Tiên Nộn, làng Thanh Tiên. Từ Tiên Nộn đi thêm 1km nữa là đến làng hoa giấy Thanh Tiên.
Men theo con đường liên thôn trải nhựa phẳng lỳ là cảnh làng quê, cánh đồng lúa yên bình xứ Huế.
Cơ sở sản xuất Phan Thị Thanh là một trong những cơ sở lâu đời và truyền thống nhất ở làng Thanh Tiên, không chỉ bán buôn, bán lẻ, đến đây du khách còn được xem và trực tiếp trải nghiệm làm hoa giấy dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân.
Đoàn chúng tôi ghé thăm cơ sở sản xuất mang tên bà Phan Thị Thanh, là chủ nhân của ngôi nhà và là xưởng sản xuất luôn, nằm ngay mặt đường chính của làng. Ở độ tuổi gần 60 nhưng bà Thanh vẫn rất nhanh nhẹn, vừa tiếp đón vừa nói chuyện, trong khi đôi tay vẫn thoăn thoắt làm hoa. Bà tâm sự rằng: Làng hoa giấy Thanh Tiên với nguồn ra tưởng nhiều, nhiều người nghĩ làm không hết việc nhưng thực ra chỉ mang tính thời vụ. Lễ hội năm thì chỉ có 1-2 cái, trong năm trông chờ nhiều nhất vào dịp lễ Tết, ngày rằm hay ngày mùng một.
Cả làng hiện chỉ còn 10 hộ sản xuất hoa giấy nhưng chỉ ba hộ trong đó có nhà bà Thanh, là vừa sản xuất vừa duy trì hoạt động trải nghiệm làm hoa dành cho du khách. Trong làng thanh niên vào trong phố làm việc hết, lao động chính chủ yếu là người đã cao tuổi, thâm niên với nghề lâu, không nỡ bỏ nghề.
Thường hằng ngày chỉ cần 1-2 người là duy trì làm hoa, ngày rằm, mùng một, lễ Tết mới huy động anh em họ hàng, thuê thêm người trong làng vào cùng làm. Hầu như người dân trong làng đều rất thành thạo, cả người lớn đến trẻ nhỏ các công đoạn chia ra đều có thể làm được hết. Có phải vì thế mà người dân ở đây vẫn tự hào nói về một câu ca dao về ngôi làng của họ: “Xanh xanh đỏ đỏ vàng vàng. Cứ đến tháng Chạp cả làng làm hoa”?
Nói về công đoạn làm hoa giấy, tất cả đều được người dân Thanh Tiên làm thủ công hoàn toàn bằng tay. Phải tốn rất nhiều thời gian kết hợp với sự khéo léo của đôi tay, sự tỉ mỉ của nghệ nhân mới tạo thành một bông hoa đẹp. Chưa kể các công đoạn còn phải được chuẩn bị từ trước, thậm chí từ mấy tháng trước chứ không phải ngày một ngày hai mà thành. Tre phải lựa những cây tốt nhất (phải là loại tre lồ ô mới dẻo dai), đem chẻ nhỏ ra vót tròn, rồi đem phơi khô làm cành, cuống bông hoa. Tiếp đến là khâu chọn giấy và nhuộm màu, khâu này rất quan trọng sao cho giấy phải bền, màu cánh hoa phải luôn tươi mới như hoa thật.
Người làng Thanh Tiên đặc biệt không sử dụng phẩm màu hay hóa chất độc hại nhuộm hoa giấy, tất cả đều từ nguồn nhựa cây và lá cây theo công thức gia truyền chế xuất ra làm thuốc nhuộm. Công đoạn cuối mới là cắt cánh, làm nhụy hoa, tạo nếp nhăn cho hoa sống động như hoa thật rồi dùng hồ dán kết bông vào cành. Rất nhiều công đoạn đòi hỏi đức tính tỉ mỉ và sự chăm chỉ, cái tâm của người làm nên một ngày một nghệ nhân chỉ tối đa làm được 15-20 bông hoa giấy.
Thế nhưng giá bán lại không cao, chỉ 5-7.000 đồng/cặp hoa cúng (hoa đơn giản như hoa hồng, hoa cúc, hoa lan...). Còn với hoa sen, vừa để cúng vừa trang trí, công đoạn phức tạp hơn, đẹp hơn nên giá cao hơn chút 20.000 đồng/bông.
Hoa giấy tràn ngập trong gian nhà của nghệ nhân Phan Thị Thanh. Hoa giấy đạt chất lượng làm sao phải giống như hoa thật, từ cành, lá, búp, nhụy... phải thật giống.
Sản phẩm đa dạng từ các loài hoa quen thuộc trong cuộc sống như hoa hồng, hoa cúc, hoa lan, hoa huệ, hoa mai, hoa đồng tiền, hoa tường vi... với năm màu chủ đạo hồng, tím, xanh, vàng, trắng.
Phức tạp nhất, đẹp nhất, được ưa chuộng nhất là hoa sen. Hiện trong 10 hộ sản xuất hoa giấy, chỉ có ba hộ làm được hoa sen giấy, trong đó có nhà bà Phan Thị Thanh.
Một cây hoa, một đòn hoa như này được gọi là cây chông. Hoa sẽ được cắm vào chông, 100 cây hoa một chông rồi sẽ lên vai theo bước chân người bán dạo khắp phố phường, kinh thành. Nếu đến Huế tháng Chạp, đứng ở bến đò Bao Vinh - Tiên Nộn mỗi sáng sớm, bạn sẽ được thấy cảnh tấp nập các o, các mế, các chị gồng gánh cây chông hoa lên đò vào phố.
Công đoạn tạo đường vân cho cánh hoa sen giấy.
Bà Thanh cho biết, trong tất cả các công đoạn thì công đoạn tạo đường vân cho cánh hoa là khó nhất, đòi hỏi rất nhiều sự khéo léo và kinh nghiệm của nghệ nhân.
Còn quyết định bông hoa sen có giống thật không nằm ở khâu bắn keo, ráp cánh hoa.
Một du khách tìm đến cơ sở của bà Thanh mua hoa giấy làm kỷ niệm, được tìm hiểu và trải nghiệm cách thức làm ra một bông sen giấy. Đây cũng là hướng đi đúng đắn cho sự phát triển sau này của làng Thanh Tiên, cần phát huy phát triển hơn nữa du lịch trải nghiệm, không chỉ hướng đến lượng khách trong nước mà còn đẩy mạnh thêm lượng khách quốc tế. Chỉ có thế làng hoa giấy mới có thể tồn tại bền vững, hướng đến bồi dưỡng lớp nghệ nhân trẻ kế cận, tăng thêm thu nhập. Từ đó, góp phần gìn giữ nghề truyền thống và nét văn hóa tinh thần không chỉ cho làng mà còn cho cả cố đô Huế.