Làng nghề bánh phồng Phú Mỹ rộn ràng vào Tết

NDO -

NDĐT - Là một trong những món ăn chơi ngày Tết cùng mứt kẹo, chiếc bánh phồng nếp đã trở thành món ăn dân dã và đậm đà hương vị quê hương bên tách trà hàn huyên tâm sự. Từ một hai hộ làm nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu chòm xóm dần dà trở thành làng nghề truyền thống với thương hiệu bánh phồng Phú Mỹ. Đó là một trong những làng nghề làm bánh phục vụ nhu cầu Tết đặc trưng ở cù lao Phú Tân, tỉnh An Giang.

Một góc làng nghề bánh phồng Phú Mỹ.
Một góc làng nghề bánh phồng Phú Mỹ.

Với những người cố cựu ở Phú Mỹ, nếu cho thời gian chính xác bà con bắt đầu làm bánh phồng ở đây thì chưa ai có thể đưa ra đáp án chính xác. Thế nhưng, thời điểm nở rộ của làng nghề vào khoảng năm 1930-1940 thế kỷ XX. Thời gian hưng thịnh nhất làng nghề có khoảng hơn 50 hộ cho hàng triệu bánh mỗi dịp Tết Nguyên đán. Giờ đây, làng nghề chỉ còn tập trung chủ yếu tại khu vực ấp Thượng 3, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân chạy dọc bờ sông Tiền đến khu vực giáp ranh sông Vàm Nao thuộc huyện Chợ Mới.

Ông Dương Văn Nghĩa, chủ cơ sở ấp Thượng 3, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang cho biết: “Làng nghề bánh phồng có từ lâu đời theo truyền thống thủ công. Từ vài hộ ban đầu đã hình thành cả làng nghề. Bánh phồng Phú Mỹ có tiếng nhờ đặc trưng nếp Phú Tân thơm ngon, ít độ lẫn. Thêm vào, với cách sản xuất truyền thống, bí quyết gia truyền nên bánh phồng ở đây độ dẻo, ngọt, béo và nhất là phồng căn khi nướng rất đẹp. Theo nghề tuy rất vất vả nhưng đổi lại giữ nghề truyền thống và nhất là cho thu nhập rất khá ngày Tết”.

Làng nghề bánh phồng Phú Mỹ rộn ràng vào Tết ảnh 1

Cán bánh phồng, khâu quan trọng trong nghề làm bánh phồng.

Ông Nghĩa là một trong các chủ cơ sở sản xuất bánh phồng gắn bó với nghề làm bánh phồng ba đời, với quy mô lớn ở ấp Thượng 3, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang cho biết: Bánh phồng Phú Mỹ được làm từ loại nếp đặc sản Phú Tân. Nhờ nguồn nguyên liệu nếp đặc sản riêng biệt nên bánh phồng Phú Mỹ có hương vị riêng, độ thơm, béo, ngọt rất khác biệt so với bánh phồng những nơi khác. Chính yếu tố đó giúp làng nghề tồn tại đến ngày nay. Bánh phồng Phú Mỹ có nhiều loại, trong đó hai loại ngon nhất là bánh phồng sữa và bánh phồng mè luôn thu hút nhiều khách hàng đặt mua dịp Tết. Cơ sở ông Nghĩa hằng ngày bình quân sản xuất từ 3.000 đến 4.000cái/ngày, nhưng từ tháng Chạp trở đi, cơ sở hoạt động liên tục, mỗi ngày sản xuất từ 6.000 đến 12.000 cái.

Làng nghề làm quanh năm, nhưng đặc biệt nhộn nhịp nhất là vào những ngày giáp Tết. Nếu ngày thường làng nghề chỉ có khoảng 20 cơ sở sản xuất, thì vào thời điểm cuối năm, số hộ làm bánh phồng tăng lên trên 40, 50 cơ sở. Từ giữa khuya, bà con đã sáng đèn để ngâm rút nếp. Rút nếp xong là đỏ lửa những nồi nếp thơm lừng. Khói từ các bếp lò củi nấu nếp hòa cùng sương sớm tạo cảm giác thật lạ, ấm áp hòa cùng mùi nếp khiến ai đã từng đến dây một lần vẫn mong trở lại lần kế tiếp. Khi gà bắt đầu gáy sáng cũng là lúc những chiếc cối quết bánh rầm rập, rầm rập nhịp nhàng vang vọng khắp xóm. Sau công đoạn quết bánh là các chị em gái lại xúm xít bên nhau cán bánh. Nếu công doạn quết bánh cần sức mạnh lực điền của các chàng thanh niên trẻ khỏe, thì công đoạn cán bánh lại cần độ tỉ mỉ của các chị, các mẹ, các em gái. Để ra từng loại bánh khác nhau, độ dày, mỏng khác nhau thì công đoạn cán bánh quyết định tất cả. Sau khi bánh được cán, là công đoạn phơi. Chỉ phơi bằng ánh nắng sáng là cho bánh ngon nhất vì độ nóng vừa phải, bánh vừa dẻo lại vừa thơm, không bị khô, vỡ.

Làng nghề bánh phồng Phú Mỹ rộn ràng vào Tết ảnh 2

Dán bánh trước khi mang phơi bánh.

Tết năm nay, làng nghề bánh phồng nếp thị trấn Phú Mỹ có hơn 40 cơ sở sản xuất bánh phồng. Trung bình mỗi hộ giải quyết việc làm cho 5 đến 10 lao động. Để đáp ứng nhu cầu cho thị trường Tết, những ngày giáp tết này, các cơ sở tăng tốc sản xuất nhiều hơn so với ngày thường. Bà Ngô Thị Nương, ấp Thượng 3, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, nhân công lò bánh ông Nghĩa nói: “Bánh phồng làm bằng tay mới ngon, nhất là các công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ. Cực nhất là ngồi liên tục nhiều giờ liền trong ngày từ khuya đến sáng. Mỗi ngày, tôi làm khoảng trên dưới hai nghìn cái bánh. Thu nhập khoảng 200 nghìn/ngày”. Bà Nương cũng như nhiều nhân công khác mỗi ngày làm việc từ 12 giờ đêm đến sáng và chỉ nghỉ vài giờ là tiếp tục làm. Công việc tuy cực nhưng bù lại các nhân công có thêm nguồn thu nhập rất khá trang trải ba ngày Tết.

Làng nghề bánh phồng Phú Mỹ rộn ràng vào Tết ảnh 3

Làng nghề tạo điều kiện cho người già có thêm thu nhập.

Bánh phồng là đặc sản có từ lâu của người dân Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang được nhiều người gần xa biết đến. Để tạo ra sản phẩm đạt chất lượng có hương vị thơm ngon, dịu ngọt của từng chiếc bánh phồng, nhất là trong ngày Tết, đòi hỏi người thợ làm bánh phải trải qua nhiều công đoạn như: chọn nếp rặt, ngâm đúng ba ngày ba đêm, đãi cho sạch nước đục. Đến khi các công đoạn này hoàn thành thì khoảng 1 giờ sáng người làm bánh thức dậy xôi nếp rồi bỏ vào cối quết, bột nhuyễn đem ra cán thành bánh, phơi nắng rồi đem vào nhúng nước đường và phơi lại lần nữa cho khô mới đóng gói. Các chất làm phụ gia như đậu, mè, sữa… được đưa lần lượt vào bánh theo từng công đoạn. Trước đây, làng nghề quết bột bằng chày tay, cán bánh cũng bằng tay, đến nay, một số cơ sở sản xuất lớn đã trang bị máy quết, máy cán bánh phồng bằng điện để vừa tăng năng suất vừa giảm công lao động, đời sống của người dân làng nghề đi vào ổn định hơn. Hơn năm năm qua, làng nghề bánh phồng Phú Mỹ đã chính thức được tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cũng như tạo thị trường đầu ra ổn định vẫn còn nhiều bất cập. Bà Dương Thị Lách, chủ một cơ sở cho biết: “Hình thành làng nghề bà con mừng nhưng chưa trọn vẹn vì có làng nghề nhưng thương hiệu chung thì chưa có. Mặt khác, làng nghề chưa có sự liên kết giữa các hộ, mạnh ai nấy làm thì sao phát triển được”.

Bánh phồng Phú Mỹ, huyện Phú Tân từ lâu đã được nhiều người biết đến và thương hiệu bánh phồng Phú Mỹ cũng vang xa khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Bánh không chỉ có mặt tại thị trường đồng bằng sông Cửu Long mà còn có ở TP Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang Campuchia. Đây còn là đặc sản mang đậm hương vị đặc trưng được chế biến từ nguồn nếp do địa phương sản xuất với tên gọi quen thuộc "nếp Phú Tân". Đây là loại nếp nổi tiếng có mặt từ lâu trên thị trường được nhiều người tin dùng và ưa chuộng.

Làng nghề bánh phồng Phú Mỹ rộn ràng vào Tết ảnh 4

Phơi bánh sáng sớm sẽ tạo độ ngon, dẻo cho bánh phồng.

Những ngày Tết đến, Xuân về, để được thưởng thức những chiếc bánh phồng nướng thơm ngon, người ăn phải kỳ công, chuẩn bị lò than với than đỏ hồng để nướng bánh. Đặc biệt, trong thời khắc giao thừa đón năm mới, ngồi bên chiếc lò than đỏ rực và thưởng thức chiếc bánh phồng bên người thân, không chỉ thể hiện ý nghĩa ấm cúng, đoàn tụ bên gia đình mà còn khiến mọi người tạm quên những lo toan sau một năm làm việc vất vả. Còn nhiều người lớn tuổi cho rằng, chiếc bánh phồng tuy nhỏ nhưng khi nướng lại phồng to lên, biểu hiện cho sự phát triển, thịnh vượng trong năm mới. Chính những ý nghĩa sâu xa của chiếc bánh phồng ngày Xuân đã giúp cho người dân làng nghề bánh phồng Phú Mỹ tâm huyết sống với nghề hơn. Để qua đó, chiếc bánh phồng đưa những người con bôn ba mưu sinh thổn thức trong những đêm Xuân như nhớ về những kỷ niệm thuở hồn nhiên của mình.

Trải qua bao năm tháng tâm huyết với nghề, kết hợp cùng với sự khéo léo từ những bàn tay của người thợ làm bánh. Ngày nay, làng nghề bánh phồng Phú Mỹ đã sáng tạo thêm nhiều loại bánh phục vụ nhu cầu của khách hàng. Những chiếc bánh phồng tròn xoe như những cánh hoa đang tỏa hương và hấp thụ những cái nắng của đất trời quê hương làm nên hương vị ngọt thơm một mùa Xuân mới.