Lan tỏa văn hóa đọc sách cho người dân Thái Bình

NDO -

Bằng sự đổi mới về phương thức hoạt động, tạo ra nhiều cách tiếp cận cho độc giả, cộng với việc đầu tư cơ sở, vật chất hiện đại, các không gian đọc tại Thư viện tỉnh Thái Bình đang ngày càng thu hút bạn đọc thuộc nhiều lứa tuổi tới sinh hoạt, nghiên cứu và học tập.

Các phòng đọc sách tại Thư viện tỉnh Thái Bình luôn chật kín người.
Các phòng đọc sách tại Thư viện tỉnh Thái Bình luôn chật kín người.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, sách đang bị cạnh tranh gay gắt với các phương tiện nghe nhìn hiện đại. Thông tin giải trí, mạng xã hội, game, chương trình truyền hình….đã dành được nhiều sự ưu tiên hơn, khiến cho văn hóa đọc sách, đặc biệt trong giới trẻ ngày một sa sút.

Nuôi dưỡng niềm yêu sách của trẻ thơ

Nhằm giúp con trẻ rời xa các thiết bị điện tử trong dịp nghỉ hè, chị Nguyễn Anh Hồng, trú tại ngõ 22 phường Đề Thám (thành phố Thái Bình) gần hai năm nay đã chủ động đưa con đến các phòng đọc sách, thuộc Thư viện tỉnh Thái Bình.

Chị tâm sự: “Mới đầu tụi nhỏ khá ương bướng, không chịu đi, bởi trong hình dung của bé đến đọc sách thì có gì thú vị. Nhưng rồi, ngày một, ngày hai, các con dần cuốn hút với những không gian đọc thiết kế thẩm mỹ, sinh động, phù hợp tâm lý lứa tuổi trẻ thơ, nên chúng rất thích thú”.

Bác Hứa Thị Vinh (56 tuổi), trú tại Tổ dân phố số 1, thị trấn Vũ Thư (huyện Vũ Thư) bộc bạch: “Nghỉ hè con trẻ quanh quẩn ở nhà, ba mẹ đi làm công ty từ sáng đến cuối ngày. Nghe thông tin Thư viện Thái Bình mở không gian đọc cho Mẹ và Bé. Quãng đường từ nhà ra phố chỉ hơn 4 cây số, nên quyết định chở nhóc nhỏ hơn 4 tuổi đến trải nghiệm. Không ngờ bé thích và cuốn hút theo bởi được chơi, được nghe cô đọc truyện, kể chuyện trong không gian thoáng đãng, mát mẻ”.

Đó là tâm sự của các gia đình khi đến với Thư viện tỉnh Thái Bình những ngày này. Đối với không ít người, trong hình dung của họ, thư viện là điều gì đó xơ cứng, thụ động, thậm chí khô khan. Nhưng khi bước chân vào đây, cảm giác ấy tan biến.

Lan tỏa văn hóa đọc sách cho người dân Thái Bình -0
 Phòng đọc cho Mẹ và Bé, một mô hình mới được triển khai tại Thái Bình.

Đổi mới cách tiếp cận độc giả

Bà Lê Thị Thanh, phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết, nhằm thu hút độc giả đến với một thiết chế văn hóa có tuổi đời gần 70 năm, thời gian gần đây, Thư viện có nhiều hoạt động sáng tạo, với những ý tưởng mới tiếp cận gần gũi hơn với mọi lứa tuổi.

Hiện nay, Thư viện có tất cả 6 phòng đọc có thể phục vụ cùng lúc khoảng 150 chỗ ngồi, các phòng được thiết kế hiện đại, lắp điều hòa không khí, hệ thống báo cháy tự động…

Phòng dành cho người đến tự học và nghiên cứu được bố trí các vách ngăn tạo ra không gian độc lập, tập trung. Các phòng còn lại là không gian mở, phù hợp với tâm lý trẻ thơ. Các con có thể nằm đọc, ngồi đọc; ngoài đọc sách còn được tiếp cận các trò chơi trí tuệ, trò chơi vận động…

Từ tháng 12/2021, Thư viện tỉnh Thái Bình khai trương phòng đọc dành cho Mẹ và Bé. Đây là mô hình mới, khá thú vị bởi con trẻ không chỉ thụ động đọc sách, mà được thủ thư trực tiếp đọc, kể chuyện tạo ra sự gần gũi, lôi cuốn. Cha mẹ cũng có thể đọc cho con nghe và chơi cùng con với đủ các món đồ chơi thông minh cũng như khu vui chơi nâng cao thể chất.

Vào những ngày nghỉ, thường có hơn 300 độc giả tìm đến Thư viện tỉnh Thái Bình. Để phục vụ công chúng, Thư viện mở cửa đón bạn đọc tất cả các ngày trong tuần, riêng thứ bảy và chủ nhật phục vụ cả buổi tối.

Nâng cao chất lượng đầu sách, đẩy mạnh số hóa

Được tỉnh quan tâm đầu tư, Thư viện tỉnh Thái Bình là công trình bề thế với tổng diện tích sàn khoảng 4.500m2, kinh phí xây dựng hơn 70 tỷ đồng. Hiện tại, nơi đây đang lưu trữ, bảo quản một số lượng sách, báo, tạp chí, tư liệu quý hiếm đồ sộ gồm hơn 300 nghìn bản sách, hơn 18 nghìn đơn vị báo.

Lan tỏa văn hóa đọc sách cho người dân Thái Bình -0
Thư viện tỉnh Thái Bình là Thư viện kiểu mẫu đầu tiên của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, có tuổi đời gần 70 năm. 

Trong đó, kho ngoại văn có hơn 12 nghìn bản sách tiếng Anh, Nga, Trung, Pháp, tiếng Hán và kho địa chí địa phương có hơn 7.000 tư liệu quý hiếm liên quan đến tỉnh Thái Bình được sưu tầm và bỏ kinh phí mua như các thần tích, thần sắc, hương ước, các luận án, luận văn…

Thời gian qua, Thư viện đã số hóa khoảng 7 nghìn đầu sách quý hiếm từ kho địa chí và toàn bộ báo Thái Bình xuất bản từ năm 1955 trở lại đây.

Không để sách nằm một chỗ

Trong những năm qua, Thư viện tỉnh Thái Bình đã có nhiều cách làm sáng tạo, nổi bật là chương trình “Đem sách đi, không để một chỗ”, tức là luân chuyển sách xuống tất cả thư viện tuyến huyện, xã và bưu điện văn hóa xã; Phối hợp với các ban, ngành đưa sách tới trại tạm giam phạm nhân, các đồn biên phòng ven biển cho cán bộ, chiến sĩ; phối hợp với ngành giáo dục giới thiệu sách hè cho thiếu niên, nhi đồng…Cùng với đó, Thư viện cũng được trang bị xe lưu động để đưa sách đến tận cộng đồng dân cư.

Lan tỏa văn hóa đọc sách cho người dân Thái Bình -0
 Xe lưu thông đưa sách đến các điểm trường ở Thái Bình.

Thời gian qua, mô hình “Thư viện lưu động” đã được thực hiện nền nếp, hiệu quả gắn kết với nhiều trường học trên địa bàn tỉnh. Dịp hè này, Thư viện tỉnh Thái Bình tiếp tục đưa sách về các cơ sở thôn, xóm đáp ứng nhu cầu thưởng thức cũng như nâng cao văn hóa đọc cho người dân.