Lan tỏa văn hóa đọc đến từng người dân

Theo kế hoạch, đến tháng 3/2025, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng, phát triển thêm một số đường sách, không gian sách tại các khu vực theo hướng phía đông, tây, nam, bắc của thành phố nhằm phát triển, lan tỏa văn hóa đọc đến từng người dân...
0:00 / 0:00
0:00
"Lì xì sách", một việc làm thiết thực nhằm lan tỏa văn hóa đọc.
"Lì xì sách", một việc làm thiết thực nhằm lan tỏa văn hóa đọc.

Cùng với Đường sách thành phố Thủ Đức (trên đường Hồ Thị Tư, phường Hiệp Phú) đã hoạt động từ cuối năm 2023, sắp tới, thành phố sẽ có thêm đường sách, không gian sách ở quận Bình Tân, Quận 7 và huyện Củ Chi. Thành phố tiếp tục đầu tư, phát triển Đường sách thành phố (đường Nguyễn Văn Bình, Quận 1) trở thành địa chỉ đặc trưng, tiêu biểu cho hoạt động văn hóa, du lịch và xuất bản, phát triển văn hóa đọc của thành phố; đồng thời triển khai chương trình "Trang bị 5 triệu quyển sách cho cơ sở".

Cụ thể, từ tháng 2/2024 đến tháng 3/2025, thành phố sẽ trang bị cho thư viện các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn và thư viện 21 quận, huyện, thành phố Thủ Đức, 5 triệu quyển sách, bao gồm sách giấy và sách điện tử. Công trình do Sở Thông tin và Truyền thông thành phố chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các địa phương và Hội Xuất bản Việt Nam thực hiện.

Song song với việc trang bị sách, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu ngành giáo dục, thông tin và truyền thông tăng cường tổ chức các hoạt động lan tỏa và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường; khuyến khích các trường sắp xếp thời gian mỗi tuần một tiết cho học sinh đọc sách, tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu sách...; đồng thời, đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông công bố kết quả khảo sát tỷ lệ đọc sách của học sinh và người dân; từ đó, đề ra những giải pháp để nâng cao tỷ lệ đọc sách hằng năm góp phần thúc đẩy, phát triển văn hóa đọc.

Khởi động từ năm 2016, Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh (đường Nguyễn Văn Bình, Quận 1) là mô hình đường sách đầu tiên triển khai trong cả nước. Có lợi thế lớn khi nằm ngay vị trí trung tâm của thành phố, gần các điểm du lịch hấp dẫn khác, Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành điểm đến quen thuộc và thu hút được lượng lớn khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Ngay từ năm đầu hoạt động, Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh đã được bình chọn là một trong 100 điểm đến thú vị của thành phố mang tên Bác.

Các hoạt động sôi nổi tại đường sách cùng hàng loạt hoạt động trải nghiệm về văn hóa đọc tại đây đã góp phần đưa sách đến gần hơn với bạn đọc, có tác động lớn đến việc hình thành nếp quen đọc, nâng cao văn hóa đọc cho người dân. Đường sách là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, du lịch, các sự kiện xã hội, văn hóa, giáo dục, đáp ứng nhu cầu bạn đọc cũng như yêu cầu phát triển của thành phố.

Các nhà nghiên cứu người Việt Nam từ nước ngoài về ra mắt sách trong nước cũng chọn Đường sách, bởi lợi thế không gian mở cùng với lượng bạn đọc đang có sẵn sự quan tâm về sách. Đường sách đã tạo ra không gian để các nhà xuất bản, các doanh nghiệp, công ty kinh doanh, phát hành sách có cơ hội chia sẻ, học hỏi, giao lưu, trao đổi những kinh nghiệm nghề nghiệp, quảng bá thương hiệu, tiếp cận nhu cầu bạn đọc và xu hướng làm sách mới, xu hướng thị trường xuất bản trong và ngoài nước, có điều kiện gắn kết, giao lưu với các nhà xuất bản, hội nghề nghiệp và ngành xuất bản thế giới.

Bên cạnh đó, Đường sách còn là một không gian tri thức, nơi ươm mầm, lan tỏa thói quen, tình yêu với sách, là một điểm "hò hẹn" của người dân thành phố, một địa chỉ dừng chân lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước.

Theo thống kê của đơn vị quản lý Đường sách, bạn đọc, du khách đến Đường sách gồm: Học sinh, sinh viên 30%; thiếu nhi 15%; người lớn 30%; khách nước ngoài 25%. Theo ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh, sự thành công của mô hình Đường sách là một thành tựu trong sự nghiệp phát triển văn hóa đọc của thành phố.

Cũng tại Đường sách, Hội Xuân Giáp Thìn 2024 vừa qua, lần đầu tiên hoạt động lì xì sách được tổ chức với thông điệp "Mở sách mới, mừng năm mới", qua đó, hơn 16.000 bản sách đã được "lì xì" đến tận tay du khách trong ngày mồng 1 Tết, khai xuân đầu năm. Đây là một hoạt động mang ý nghĩa khuyến đọc rất ý nhị đến mọi tầng lớp người dân ngay ngày đầu năm.

Riêng Hội sách Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức từ năm 2000 với quy mô lớn cả về lượng đầu sách, diện tích và gian hàng; đến kỳ thứ 10 (năm 2018) đã là hội sách lớn nhất Việt Nam và lan dần ra khu vực. Đây là hoạt động văn hóa kéo dài suốt một tuần trong khuôn viên một công viên lớn, là một "đặc sản văn hóa đọc" của thành phố, được tổ chức hai năm/lần, nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả, các đơn vị xuất bản trong và ngoài nước.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: "Hội sách Thành phố Hồ Chí Minh đã dần trở thành một thương hiệu văn hóa cho riêng thành phố, để người dân cả nước và khách quốc tế ghi nhớ và nhắc đến như là một biểu tượng hình ảnh, như chợ Bến Thành, Bưu điện thành phố hay Nhà hát thành phố"...

Tháng 10/2023, đoàn công tác của ngành xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia triển lãm, quảng bá, học tập kinh nghiệm tại thành phố Frankfurt (Cộng hòa Liên bang Đức) và thành phố Paris (Cộng hòa Pháp). Đoàn đã tham dự Hội chợ sách quốc tế Frankfurt lần thứ 75. Đây cũng là lần đầu tiên Thành phố Hồ Chí Minh có gian hàng tại Hội sách Frankfurt với diện tích 4mx6m, trưng bày và giới thiệu xuất bản phẩm về lịch sử, văn hóa, văn học về Sài Gòn-Gia Định-Thành phố Hồ Chí Minh với gần 300 tựa sách.

Cũng trong chuyến công tác tại Đức, đoàn đã có buổi làm việc với Phó Chủ tịch Hội xuất bản Frankfurt. Hai bên trao đổi kinh nghiệm về cách thức tổ chức và vận hành, học hỏi về mô hình, cách thức tổ chức sự kiện văn hóa đọc, hội sách có quy mô, uy tín trên thế giới để chuẩn bị tốt cho Hội sách Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến tổ chức trong năm 2024.

Xây dựng, phát triển văn hóa đọc là một trong những chủ trương quan trọng được thành phố kiên trì thực hiện, đầu tư trong nhiều năm qua. Việc hình thành các đường sách, không gian sách nhằm thúc đẩy việc đọc sách của người dân; nhất là thanh, thiếu nhi, góp phần phát triển văn hóa đọc của thành phố; đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong người dân, bám sát theo tiêu chí danh hiệu Thủ đô sách thế giới, do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận.